Để tre già, măng mọc...

Thứ Năm, 13/03/2008, 08:00
"Đốt đuốc đi tìm người làm công tác lý luận, phê bình múa" - Có lẽ đây là câu nói được nhắc đến nhiều nhất trong Hội nghị Lý luận phê bình Múa toàn quốc diễn ra hồi cuối năm 2007.

So với lực lượng đội ngũ cán bộ chung của toàn ngành múa thì các thành viên của bộ môn lý luận còn quá ít ỏi. Trong danh sách các hội viên đăng ký chức danh lý luận của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chỉ có 17 người. Trong đó, một số nhà lý luận phê bình như các anh chị Nghiêm Chí; NSƯT Minh Hiến; Phạm Thị Điền; Vũ Đức Thoàn đã lần lượt qua đời, số còn lại cũng đều đã cao tuổi.

Mặc dù, đến nay trong toàn ngành múa đã có 19 thạc sĩ, 2 tiến sĩ bảo vệ thành công luận văn, luận án về nghệ thuật múa nhưng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu về công tác lý luận, phê bình múa trong bối cảnh toàn cầu hóa (ấy là chưa nói, trong số những thạc sĩ, tiến sĩ trên thì đa phần hoạt động trong lĩnh vực biên đạo hay giảng dạy chứ có rất ít người chuyên về lý luận, phê bình múa).

Trên tạp chí Nhịp điệu (một tạp chí chuyên ngành của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) thi thoảng cũng xuất hiện một vài cây bút trẻ nhưng không mấy nổi bật. Lý luận phê bình múa là lĩnh vực khó, nếu người phê bình mà không có kiến thức, không được đào tạo bài bản, không say mê thì khó có thể đi đến thành công.

Năm 2005, khoá I - lý luận múa trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có 12 cử nhân tốt nghiệp, những tưởng sẽ là nguồn lực để bổ sung cho đội ngũ lý luận nhưng thật đáng tiếc khi hầu hết những sinh viên đó đều làm việc không liên quan gì đến nghiệp lý luận, phê bình.

Thật đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Thái Phiên, tổng biên tập Tạp chí Nhịp điệu (Tạp chí chuyên ngành của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam): "…Số người làm công tác lý luận - phê bình múa còn quá ít và hầu hết đều đã cao tuổi. Lớp trẻ không thích làm lý luận, dân chuyên nghiệp không có, thi thoảng có vài cây viết tay ngang "ngứa tay" cầm bút viết chơi, vô thưởng, vô phạt khó tìm được tiếng nói đồng thuận…".

Trong bài tham luận của mình, NSƯT Ngân Quý đưa ra một số ví dụ: "... Không ít người khi xem một số tác phẩm múa đều xì xào và thốt lên: Khó hiểu quá, không hiểu cái gì, chẳng thấy múa gì, chỉ thấy diễn viên lững thững đi ra rất lâu với vẻ mặt lạnh như tiền, bỗng dưng người quay ngoắt lại, uốn vặn bên này, bên kia, cơ thể tạo nên những khúc, tuyến rồi lại lững thững đi...".

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không thấy sự lên tiếng của lý luận phê bình. Còn đâu vai trò của lý luận phê bình với việc định hướng, uốn nắn những xu hướng sáng tác; giúp người xem có cái nhìn đúng đắn về cái hay, cái đẹp trong múa?.

Nhìn qua sạp báo, thật khó tìm nổi một bài viết về nghệ thuật múa. Có chăng cũng chỉ là những bài viết ngắn nặng về đưa tin tức. Múa là nghệ thuật tạo hình và cái đẹp của múa đã được khẳng định khi trên sân khấu hôm nay nó được sử dụng nhiều đến mức lạm dụng như một thứ hoa không thể thiếu để tô điểm cho sân khấu.

Và chúng ta đang cần những tiếng nói từ những nhà lý luận, phê bình đến công chúng về những giá trị đích thực của nghệ thuật múa, về cái đẹp vĩnh hằng của múa với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập.

Trong khi các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ đang ồ ạt với những dự án xã hội hoá thì nghệ thuật múa vẫn như nàng công chúa đang say giấc. Múa vẫn là loại hình nghệ thuật còn xa lạ với công chúng. Những đêm biểu diễn nghệ thuật múa Ballet, những cuộc thi múa... vẫn lèo tèo khán giả mà trong đó phần lớn là dân trong nghề.

Thiết nghĩ, chiếc cầu nối giữa công chúng và nghệ thuật múa chỉ có thể được rút ngắn hơn khi chúng ta chú trọng đến lý luận phê bình múa. Những bài viết, bài nói, những chương trình truyền hình đánh giá, nhận định khách quan về nghệ thuật múa sẽ giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về múa để từ đó vun đắp tình yêu với môn nghệ thuật này

Mạnh Tường
.
.