Để “mát chân, đẹp mắt” người đi bộ

Thứ Sáu, 17/03/2017, 08:02
Cuộc chiến giành lại vỉa hè đang diễn ra quyết liệt trên cả hai thành phố lớn nhất của cả nước, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nói “cuộc chiến” để chúng ta hiểu rằng đây là một việc làm rất khó khăn phức tạp, đã nhiều lần ra quân nhưng rồi cuối cùng vẫn quay về tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Nó như là bao nhiêu chuyện khác mà lâu nay vẫn diễn ra: dẹp các chợ “cóc”, cấm thả rông chó trong thành phố…


Hơn nữa, vỉa hè còn mang trong nó tính lợi nhuận cao cho một số người, là chốn mưu sinh của một số người, trong đó có cả những người cuộc sống hằng ngày còn  khó khăn, có thu nhập thấp. Mặt khác, ở đây cũng thể hiện một khía cạnh của lợi ích nhóm… cho nên càng khó khăn và quyết liệt hơn. 

Nhưng với quyết tâm cao từ Chủ tịch UBND hai thành phố, ra quân mạnh mẽ và đồng bộ với cách làm bài bản, những biện pháp có lí có tình và nhất là được sự đồng tình của người dân khi thấy rằng vỉa hè chúng ta không thể bệ rạc hơn nữa, thì chúng ta tin rằng lần này cóc không thể nhảy ra khỏi đĩa được nữa.

Mọi người rất phấn khởi khi nghe được những phát ngôn đầy tâm huyết và bản lĩnh của lãnh đạo thành phố về chiến dịch này, những tồn tại của căn bệnh chây lì nhiều năm nay, những góc khuất của những cản trở nằm sâu xa từ bên trong được thẳng thắn chỉ ra để mọi người thấy rõ và công khai giao hẳn trách nhiệm cho những đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, quan trọng số một là các đồng chí Chủ tịch UBND các phường, quận. Cách làm đó đúng là mang được hưng khí của chiến dịch ra quân quyết thắng trận này. 

Lực lượng chức năng xử lý các điểm lấn chiếm vỉa hè ở quận 1- TP Hồ Chí Minh.

Nhưng có lẽ một việc rất quan trọng đòi hỏi sự quyết tâm cao là phải làm cho vỉa hè đẹp hơn sau khi đã lấy lại được. Đây là một việc làm có khi còn khó khăn hơn gấp bội.

Thực tế là trước đây trên một số tuyến phố, sau khi dẹp được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, các ngành, các cấp coi như đến đó là xong, dẫn đến vỉa hè tuy không còn bị lấn chiếm nhưng mọi thứ lộn xộn, mất vệ sinh, “cha chung không ai khóc”, nên vỉa hè ổ gà ổ chuột, chỗ thấp chỗ cao, thường xuyên nước đọng, từ mặt vỉa hè đến gốc cây, chỗ nào cũng rác rưởi bẩn thỉu và tràn lan những thứ quảng cáo, biển hiệu mà từ hình thức đến nội dung chưa đạt đến sự tối thiểu về văn hóa thẩm mĩ và những ô nhiễm khác khiến cho nhiều người đi qua vẫn cố lánh đi chỗ khác, hệ quả là sau đó vỉa hè lại bị lấn chiếm trở lại.

Rất mong điều này sẽ không xảy ra trong đợt ra quân này.

Muốn vậy cần phải làm tốt cả hai mặt, giành lấy vỉa hè và làm đẹp vỉa hè. Vỉa hè không chỉ là để cho người đi bộ mà nó còn là một nét riêng làm nên vẻ đẹp của thành phố. Đã đến lúc thành phố phải hoàn tất và thống nhất quy định về quản lí, sử dụng vỉa hè.

Chúng ta đã có nhiều năm sống trong hòa bình và phát triển nhưng xem ra việc quản lí, sử dụng cái hè phố “nho nhỏ” kia vẫn chưa có quy định thống nhất, mỗi nơi làm theo một kiểu. Những quy định ban hành phải được mọi người nhận thức đầy đủ và nghiêm túc thưc hiện, phải được kiểm tra thường xuyên. Đây là việc làm đòi hỏi sự kiên trì.

Trách nhiệm của chính quyền các cấp từ tuyên truyền giáo dục đến vận động, tổ chức thực hiện. Đây là điều quan trọng mang yếu tố quyết định. Vì chúng ta đều thấy rất rõ trên dải đất nhỏ nhoi của hè phố, có bao nhiêu vấn đề đang đặt ra liên quan đến cuộc sống và sinh hoạt của con người. Sự chằng chịt dây dợ ấy nói lên cái khó khăn, phức tạp mà không phải giải quyết ngay được.

Trong góc nhìn văn hóa, vỉa hè được coi là một tiêu điểm nổi trội trong nét đẹp phố phường. Nhìn vào vỉa hè của thành phố nào, càng thấy sự đẹp đẽ của nó chúng ta càng có cảm nhận về sự văn minh, hiện đại của thành phố đó.

Do vậy phải làm cho vỉa hè của chúng ta đẹp với đầy đủ tính chất của nó là sạch sẽ, trật tự văn minh. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp không chỉ có quyết tâm cao mà còn phải có kế hoạch quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hạ tầng của vỉa hè thành phố. Đó mới là kế sách vững bền dài lâu cho vỉa hè thành phố chúng ta luôn luôn làm “mát chân đẹp mắt” người đi bộ.

Phạm Văn Thạch
.
.