Dẫu có thiền, vẫn phải lựa chọn

Thứ Năm, 27/12/2012, 08:00
Nhân đọc "Dấu về gió xoá", tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, NXB Trẻ, 2012.

"Chiếc phi cơ bay qua trên đầu, trời đêm ngay lập tức xóa sạch đường đi phía sau nó. Sóng lớp lớp xóa sạch con đường phía sau chiếc tàu thủy. Cảm giác lối về đã xóa. Một mình đơn độc giữa đại dương" (trang 27). Đó là hình ảnh ám ảnh suốt tiểu thuyết "Dấu về gió xóa". Có chăng con người đi qua thế gian, ánh sáng còn để lại? Có chăng con người đi qua thế gian, lưu ảnh còn lại? Khi tự ngã của con người còn có thể là ảo ảnh, khi con người ra đời lặng lẽ chẳng ai biết, danh tiếng chỉ là phù vân, vậy thì sao phải trở thành quá khứ, sao phải đào bới quá khứ, khi "những lối trở về quá khứ dấu tích đã bị xóa mờ" (tr. 52). Và khó như tìm dấu một cơn gió vừa đi qua trên bãi cỏ, một con tàu vừa đi qua giữa đại dương (tr.159).

Có bao nhiêu mệt mỏi và nản lòng trong mỗi chuyến đi! Đối với riêng Anh - nhân vật chính trong tiểu thuyết - đó là cuộc tìm trở về quá khứ của người cha. Đối với hơn ba trăm con người ở nhà tù bí mật trên Đảo Xanh, đó là cuộc trở về quá khứ của chính họ. Anh "càng đi càng mất dấu", mãi băn khoăn mơ hồ về một đầm sen bát ngát. Và ba trăm con người được giải thoát khỏi nhà tù liệu có tìm lại được quá khứ của mình?

Có thể nói, triết lý về vô thường là linh hồn cuốn tiểu thuyết. Xoay quanh những tuyến đề tài chính trị, văn hóa, tôn giáo và tình yêu là những triết luận về tranh đoạt quyền lực, độc tôn tư tưởng và khao khát chiếm hữu - được trình bầy sống động bởi một cây bút tài hoa và sắc sảo.

1. Cuốn tiểu thuyết là một bức tiểu họa miniature về chính trị. Cuộc sống chính trị đã được lột tả một cách rõ ràng và hài hước. Đây là một bức tranh ghép bằng chữ - đầy ắp những từ khóa chính trị và ngôn ngữ ngoại giao, được sắp xếp theo thủ pháp biểu hiện, đồng hiện và tượng trưng, cho ta thấy một panorama những mô hình chính trị, những hoạt động ngoại giao và thủ đoạn chính trị. Góc hài hước này là cuộc họp nghị viện; góc hài hước kia là lễ tiết ngoại giao; ở góc hài hước khác là sự pha trộn cốc tai các thể chế bộ lạc, quân chủ và cộng hòa. Và những góc hài hước về truyền thông, về vị giáo sư lăm lăm đánh chiêng đốt trầm mỗi khi có khách, về sự xâm lăng của văn hóa nghe nhìn… Cũng có những góc hồi hộp, gay cấn, có lật đổ, thanh toán, bưng bít, có cả đàn áp tình yêu theo kiểu cổ điển - như thể trong bức tranh ghép chữ đó đã có đủ mọi cảnh náo nhiệt, hoạt kê, vui buồn, một bức tranh nhỏ nhưng nét đến từng chi tiết. Ở đây có đủ kiểu kết hợp chính trị và tội ác, chính trị và tình yêu, chính trị và lòng tin, chính trị và văn hóa.

2. Cuốn tiểu thuyết là một ẩn dụ về Tình yêu - một tình yêu khác, một tình yêu xóa nhòa ranh giới giữa các khái niệm. Nó cũng là "một thứ hương vị mới như mùi trầm của Ấn Độ. Cái cay cái hăng cái thơm sực của món ăn Ấn, quá nặng với người lạ, nhưng người lạ quen được rồi thì nghiện mãi một đời" (tr.63). Vào những thời điểm gay cấn nhất như tai nạn của Chàng từ cuộc đọ sức trên biển, hay thời điểm cận kề sống chết của Chàng trong bữa tiệc chiêu đãi đại sứ nước Anh, ứng xử của Nàng và của Anh bột phát không đắn đo, như đối với người thân nhất của mình, như đối với người yêu. Câu chuyện thăng hoa trên cái nghiệt ngã của thực tại, nơi tình yêu phải là hai người, và bình thường ra thì là hai người khác giới.

Cả Chàng, cả Nàng, cả Anh đều bình thường như số đông bình thường trước đó. Chàng và Nàng đã cùng nhau trước khi có Anh. Anh đã có một tình yêu thơ mộng với một cô gái Ấn trước khi có Chàng và Nàng. Sự tình cờ xô đẩy họ đến với nhau. Công thức tình yêu tay ba bi kịch trên phim ảnh và trong đời là một thế giới hoàn toàn khác nếu đem so với tình yêu tay ba này - một thứ tình cảm mà nếu thiếu một thì hai người còn lại trở nên vô cảm. Đôi khi Anh có ước mơ đưa Mắt Hai Màu - cô người yêu ngày trước nhập vào thành bộ bốn cùng Anh cho trọn vẹn một thứ tình cảm giao hòa tập thể và duy nhất. Điều ấy có thể là một thách thức tỉnh khô với mọi thứ lý luận tâm lý và luân lý học, xa lạ với mọi sắc thái thèm khát chiếm hữu trong tình yêu của người đời, nhưng không vượt ra ngoài tình yêu. Có thể, điều ấy chính là giới hạn khôn cùng của tự do luyến ái?

3. Cuốn tiểu thuyết là một triết luận về tôn giáo. Phong vị thiền lan tỏa khắp tiểu thuyết "Dấu về gió xóa". Hồ Anh Thái sử dụng khá nhiều từ nhà Phật như kiếp người, vô minh, vô thường, tâm động, cõi tạm, sinh diệt sắc không. Nhưng nhân vật Anh "cầu nguyện ở bất kỳ giáo đường nào" (tr.89), điều đó cho phép Anh bình luận về tôn giáo ở vị trí trung lập, có phần yêu mến đối với tất cả. Có lẽ vì không tôn giáo dường như đồng nghĩa với không giới tính (tr.37). Có lẽ vì "nhiều tôn giáo đưa ta đến tận đáy sâu nhân sinh, cho ta thấy rõ hơn ai hết cái hữu hạn của kiếp người" (tr.138). Ngôi đền Đa giáo như tỏa sáng lấp lánh một thế giới trong đó các tôn giáo chung sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Lang thang giữa khung cảnh bình yên ấy, tâm trí Anh xáo động - cái xáo động của một kẻ nhàn du. Có hoàn toàn vô can không lòng từ bi không giới hạn - nếu từ đó tội ác được châm ngòi? Lẽ phải thông thường sẽ phản đối, đừng đưa dao cho người ta đâm mình vì như thế là đồng lõa với tội ác. Tôn giáo ngăn được dục vọng nhưng cũng khiến mầm ý chí vươn lên của cá nhân bị thui chột. Khước từ sử dụng tiếng nói của mình đâu có giúp khước từ thể hiện quan điểm? Người ta có thể không bị quay cuồng trong vòng xoáy tranh giành quyền lực nhưng làm sao cứ mãi mũ ni che tai khi phải đối mặt với chính mình? Nhân vật Giáo sĩ là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc, vừa cao cả huyền bí vừa trần tục đời thường, vừa hài hước vừa cảm động, có lẽ là phần quyến rũ nhất của tiểu thuyết. Hình tượng này chắp cánh cho những tranh luận về tôn giáo bay lên tầng ngụ ngôn.

4. Ta cũng sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những câu chuyện khác - những cánh cửa đa màu mở vào thế - giới- bên - kia - chính - trị. Những câu chuyện thật đẹp, tự nó có thể đứng như truyện ngắn hoặc có thể lớn lên thành tiểu thuyết. Đó là câu chuyện hoài niệm với Mắt Hai Màu, với văn hóa Ấn Độ như ấn tượng không phai của một thời tuổi trẻ; câu chuyện chưa kể về nàng Draupadi trong sử thi Ấn Độ, về những người đàn bà xóm chửa hoang và những đứa con trai Cá Ông, về nàng trinh nữ trong lễ hiến tế thần nước, về nữ hoàng điện ảnh Greta Garbo… - những câu chuyện vượt lên trên chính trị, vượt ra ngoài tôn giáo nhưng không ra ngoài chuyện - con - người

Cuốn tiểu thuyết đầy chất ước lệ như "Hoàng tử bé" của Saint Exupéry, nhưng thật nhiều suy tư. Giọng văn đa dạng, trở thành công cụ chuyển tải cảm xúc trực tiếp của nhân vật chính - một anh chàng hài hước nhưng cũng rất thâm trầm. Có lẽ đó là nét mới - hay nói đúng hơn là sự phát triển hoàn chỉnh một phong cách văn - phong cách Hồ Anh Thái. Ta thấy ở đây một giọng văn liên tục biến đổi - xen kẽ giữa trào phúng với trữ tình, trần tục với thần tiên, yếu tố triết lý, suy ngẫm đi cùng với yếu tố kỳ ảo. Ngôn ngữ hài và ngôn ngữ trữ tình ở tiểu thuyết này rất đa sắc. Ta sẽ thấy một âm hưởng dịu dàng, buồn bã, da diết trong những dòng về cha mẹ và quê hương; khôi hài pha chua chát trong những dòng liên quan đến người bạn của cha, lãng mạn mơ mộng kèm hài hước xót xa ở chuyện Thằng Bé, hài hước đầy trắc ẩn cảm thông với người đàn bà xóm chửa hoang trong khi nhạo báng thẳng thừng đối với những gã đàn ông đạo đức giả. Có cái cười dân dã bình dị nhưng ra nước mắt như khi Anh kể về sự tích hòn Guốc "ba năm cõi thế đủ bàng hoàng kinh dị suốt một đời tiên" để tiên hãi hùng "chạy mất dép" (tr.181-182). Có cái cười giễu cợt đã gắn với thương hiệu Hồ Anh Thái mà nhiều người thích gọi là giọng văn giễu nhại như chuyện họp nghị viện. Những nét hài hước nhẹ nhàng - như gió thoảng trưa hè điểm xuyết những chấm phá thơ mộng - làm cho trái tim thắt lại - một bóng máy bay kiểu cổ, một bóng người mờ khuất dần trên cát, một dây đồng hồ của Antoine de Saint-Exupéry, một đốm lửa lăn tròn… Và rất nhiều câu hỏi - những câu hỏi gắn kết mạch suy tưởng của nhân vật, những câu hỏi trăn trở nhân bản như đối thoại với chính bạn, và muốn bạn cùng tham gia với mình trong cuộc kiếm tìm bất tận.

Thấp thoáng hình ảnh nơi ta đang sống, hiện tại và quá khứ, qua câu chuyện về cha mẹ Anh và bạn của cha. Chuyện con trai Cá Ông và xóm chửa hoang đẫm hơi thở dân gian với phường bát âm và tục khóc mướn, tục thờ cá Voi, chuyện đấu tố một thời cách mạng văn hóa còn buốt nhói trong hồn.

Ba trăm con người bị cô lập với thế giới, bị tước mất hiện tại đã thoát. Đi đâu? Về đâu? Đi tới tương lai hay về với quá khứ? - cuộc đi ấy được đặt trong một kết thúc mờ "không thấy chiếc máy bay hạ cánh xuống bất cứ một phi trường nào trên trái đất" (tr.310), đủ mờ để giống một giấc mơ, đủ mờ để còn hy vọng có một lối về. Có nhiều kết thúc mờ như thế trong tiểu thuyết. Chuyện Thằng Bé, mối tình đầu thơ ngây với kết thúc buồn, để Anh không thể tin rằng nó đã chết. Dường như nó vẫn đang bơi đâu đó với lũ mập voi hoặc đã bỏ đi xa. Chuyện con gái ông Câu, nàng trinh nữ bị hiến tế cho thần nước, nhưng nàng không chết, không thể chết vì ông Câu vẫn đi tìm vớt nàng, chàng trai yêu nàng vẫn lặn lội đi tìm nàng chân trời góc bể...

Tiểu thuyết "Dấu về gió xóa" khép lại nhưng không cho bạn yên ổn - ngoài kia, đâu đó, bạn sẽ gặp, lại một đảo xanh, lại một tu sĩ, lại một mandala, lại một đền thờ Đa giáo…Và dù có thiền được giữa đời, bạn vẫn sẽ phải lựa chọn, sẽ bị cuốn vào nó với cả trái tim mình

Văn Thị Thu Hà
.
.