Tản văn

Đã khổ, lại còn khổ hơn!

Thứ Tư, 24/11/2010, 10:13

Chiếc xe cảnh sát bịt kín (loại xe dùng để chở phạm nhân) vừa đỗ xịch trước cửa Tòa án nhân dân quận thì một tốp người tay xách nách mang từ các hàng quán gần đấy te tái nhào ra, chen chúc xô đẩy nhau. Tiếng kêu gọi í ới xen lẫn tiếng khóc thút thít làm nhao nhác một góc đường. Nhìn xem trong đám người, hẳn cũng không ít bà ít chị là thân nhân của các bị cáo.

Một chiến sĩ cảnh sát ra sau xe, mở khóa cho các bị cáo xuống. Các bị cáo - tất cả đều còn trẻ, chỉ trên dưới hai mươi người, cứ hai người một xích chung một khóa, dẫn rệu xuống xe. Trên đường vào phòng xử án, chúng không quên ngoái lại vẫy chào các "chiến hữu" đang lảng vảng, lấp ló đây đó. Xoắn xuýt quanh chúng là những người thân trong gia đình:

- Trời ơi, con ơi! - Một bà mẹ nấc lên.

- Em ơi, chị đây - Một người phụ nữ chừng ba mươi, bần thần rờ vào chiếc áo xám của kẻ lầm lỗi, nước mắt lưng tròng.

Thật không gì hơn tình cảm gia đình. Dù những kẻ kia có tội lỗi đến đâu, thì đó cũng là con, là em họ. Trông cảnh tượng vậy, dù là người dưng qua đường cũng thoáng chút bùi ngùi... Song, những diễn biến sau đấy đã làm mất đi nhanh chóng ở trong tôi thoáng chút bâng khuâng xa xót ấy, nhất là khi nghe được lời đối đáp của hai chị em nhà nọ:

- Ở trong ấy, chúng nó (ý chỉ các tù nhân cùng phòng) có đánh em nhiều không, Hưng - người chị rền rĩ.

Cậu em (tên Hưng) trợn trừng mắt:

- Bà lảm nhảm cái gì thế. Đứa nào dám đánh? Tôi tha không đập chết mẹ chúng nó thì thôi...

Một bị cáo bị xích tay chung với gã kia, cười nhăn nhở:

- Chị yên tâm đi, ở nhà chị chưa hầu hạ nó bằng những thằng ở trong ấy phải "hầu hạ" nó đâu.

Quả tình, giá như không có những chiếc còng số 8 để phân biệt rõ các bị cáo với người thường, mà chỉ trông vào những gương mặt, thái độ, thì hẳn chúng ta sẽ khó lòng nhận biết được đâu mới là kẻ bị giam cầm. Người nhà của các bị cáo thì ai nấy vẻ mặt đều rầu rĩ, đau khổ, nước mắt vắn dài, còn mấy kẻ kia thì câng câng, hơn hớn ra mặt. Có lẽ chúng đã quá quen được chiều chuộng, phó mặc mọi sự vào việc "chăm lo" của gia đình... Ngẫm thế, mới thấy những người mẹ, người chị của chúng  đã khổ, lại càng khổ hơn!

Nguyễn Chính
.
.