Đã chơi thì phải công bằng

Thứ Sáu, 30/09/2016, 08:54
Vietnam Idol là cuộc thi mà có lẽ mùa nào cũng nóng lên về chuyện những thí sinh đi đến vòng thi cuối cùng, vòng chung kết, có xứng đáng hay không, kể cả là khi thí sinh ấy hát rất hay, truyền cảm như Uyên Linh đi chăng nữa. Và Vietnam Idol 2016 cũng không tránh khỏi lối mòn ấy bất chấp chuyện tranh cãi có phải do chính Ban tổ chức cố tình tạo ra để thu hút truyền thông hay không. Tranh cãi của năm nay thực ra lại còn rất thú vị khi nó mở ra một câu chuyện còn vượt ra ngoài giới hạn của giải trí đơn thuần...


Đó là câu hỏi xoay quanh chuyện “Janice Phương có xứng đáng là thần tượng âm nhạc Việt Nam hay không?”, theo đúng tiêu chí mà cái tên cuộc thi mang vác. Đơn giản, Janice Phương là một thí sinh người Philippines. Cô lấy chồng người Việt Nam. Cô có quốc tịch, có hộ chiếu Việt Nam đàng hoàng. Cô hát rất hay, hát có hồn, có lửa. Nói chung, cô có mọi yếu tố để là người chiến thắng. Nhưng những ý kiến phản biện lại cho rằng để một người ngoại quốc là thần tượng âm nhạc Việt Nam thì hơi khó nghe.

Thực chất, những ý kiến đó dù có lý nhưng cũng chỉ là thiên kiến của những đầu óc hạn hẹp trong chủ nghĩa dân tộc mù mờ. Nếu chúng ta lý giải được câu hỏi “Việc những người Việt thần tượng một người nước ngoài nào đó có phải là phản cảm không?” thì chúng ta mới có thể cởi mở được trước câu chuyện Janice Phương. Cô là người Philippines nhưng khi cô đã gắn bó với đất nước Việt Nam, cô được công nhận là công dân Việt Nam, cô phải có đầy đủ quyền lợi của một người Việt bình thường.

Và hơn nữa, cô thắng một cuộc thi thần tượng âm nhạc Việt đi nữa cũng không có nghĩa rằng cô đại diện cho toàn bộ nền nhạc nhẹ của Việt Nam trong năm đó. Việc đánh đồng cô từ một người có cơ hội thắng giải trở thành một người đại diện cho nhạc nhẹ Việt 2016 là sự đánh tráo khái niệm một cách thái quá, và có phần kỳ thị.

Chúng ta nên nhìn câu chuyện theo hướng trò chơi và luật chơi. Nếu Vietnam Idol được coi là một cuộc chơi (mà đúng nghĩa nó là như vậy), thì nó có luật chơi riêng và chúng ta phải tôn trọng luật chơi ấy. Những người chơi, những người tổ chức cuộc chơi, những người tham gia vào cuộc chơi với tư cách giám khảo từ xa (khán giả bình chọn) cũng đều phải bó mình trong luật chơi riêng kia của Vietnam Idol.

Và một khi chúng ta đã chấp nhận cho một thí sinh bước vào thi từ vòng đầu tiên, khi mà chúng ta có đủ quyền năng (bình chọn) để loại bỏ và chúng ta không thực hiện quyền năng đó, chắc chắn chúng ta phải tiếp tục chấp nhận khả năng thắng cuộc của thí sinh ấy. Janice Phương là trường hợp cần được chấp nhận một cách không điều kiện như thế và rõ ràng, các tranh cãi đang ngày một trở nên vô bổ khi mổ xẻ kỹ trường hợp này.

Song song chuyện của Janice Phương, một chuyện tương tự cũng được đưa ra tranh luận suốt thời gian qua là việc có nên gọi các vận động viên nhập tịch vào các ĐTQG thể thao của Việt Nam hay không. Câu chuyện này mãi không có hồi kết khi các ý kiến toàn xoay quanh những thứ to tát như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, lòng tự hào và ái quốc… mà quên đi mất một điều quan trọng nhất. Đó là người đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam chỉ cần mấy yếu tố rất cơ bản.

Thứ nhất, phải là công dân Việt Nam. Thứ nhì, phải nói được tiếng Việt. Và cuối cùng, để được đại diện cho Việt Nam, người ấy phải có trình độ, phong độ và thái độ đạt đúng mức yêu cầu đề ra.

Tất cả đơn giản chỉ có thế, nhưng chính những tranh luận đang khiến nó phức tạp hơn. Nên nhớ, chúng ta mở cửa hội nhập với thế giới đã lâu, và đã chơi với quốc tế thì phải đề cao sự công bằng, minh bạch, sòng phẳng. Chúng ta có quyền đề ra luật chơi và chúng ta phải tự tôn trọng luật chơi ấy. Nhược bằng không, cái ao tù mà ta tự an ủi với nhau cũng sẽ chẳng thể giúp chúng ta vươn mình phát triển sánh tầm những người bạn “chơi” mà chúng ta mong đợi.

Văn Đoàn
.
.