Đờn ca tài tử Nam bộ:

Cuộc chơi cũng lắm công phu

Thứ Sáu, 11/03/2011, 08:21
Đối với người dân Nam bộ thì âm nhạc tài tử, phong cách tài tử không phải là điều gì xa lạ, bởi cái lẽ dễ hiểu là họ đã tiếp xúc, đã thưởng thức, đã say mê "món" nghệ thuật này kể đã hàng trăm năm nay. Nhưng đối với người nghe, người xem miền Trung, miền Bắc, nhất là khán thính giả lần đầu tiên thấy nó trên tivi thì không khỏi có chút ngỡ ngàng trước cái mình xem, mình nghe so với cái mình hình dung, suy diễn căn cứ vào tên gọi của nó...

Cũng phải nói rằng, cho đến nay, chúng ta chưa có một chuyên khảo về âm nhạc Tài tử, ngoại trừ một công trình khoa học mang tính ứng dụng của tác giả Huỳnh Khánh "Đờn ca Tài tử Nam bộ" và cũng chỉ giới hạn trong địa giới Cà Mau, Bạc Liêu. Những tư liệu mà ta có được phần lớn được tìm tòi về nguồn gốc hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương chính thống khởi thủy từ lối "ca ra bộ", mà ca ra bộ tức là ca Tài tử có "ra bộ", tức là thêm điệu bộ, động tác chân tay, có tính cách "diễn trò". Mặc dù vậy, những cứ liệu gián tiếp đó cho thấy một lược trình hình thành âm nhạc và phong cách diễn tấu Tài tử theo hai bước:

1- Khoảng giữa thế kỷ XIX, phong trào "đờn ca" phát triển rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, theo các học giả Nam bộ, sinh hoạt âm nhạc trong dân gian chỉ có dàn nhạc Lễ, gồm hai thành phần: Phe Văn và phe Võ.

Phe Võ chủ yếu là các nhạc khí bộ gõ (trống, thanh la…) và cây kèn.
Phe Văn chủ yếu là các cây đàn (cò, gáo) thêm ống sáo và song lang.

Dàn nhạc Lễ chỉ được sử dụng trong các dịp Quan, Hôn, Tang, Tế, thường nhất là Tang và Tế. Ở những lễ nhỏ hơn như Tân gia, Thôi nôi…, gia chủ chỉ mời phe Văn, nghĩa là nhóm "đờn cây" đến gọi là giúp vui. Do mục đích giúp vui, trước một đối tượng không phải là "dân sành điệu", một yêu cầu nảy sinh là phải có cả ca chứ không thể chỉ có đờn. Thế là bắt đầu có chuyện "đặt lời" vào những làn điệu nhạc Lễ vốn là khí nhạc thuần túy. Rồi ca "Xàng xê, Long ngâm…" dần dần trở thành quen thuộc. Mặt khác, do đến đây nhóm "đờn cây" không phải "làm nghề" nhạc lễ, họ chơi lấy vui, giúp vui, họ chơi... tài tử.

2 - Khoảng hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, có hiện tượng nhiều  nhạc công dàn nhạc cung đình Huế di cư vào Nam, mà điển hình là ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi). Ông Nguyễn Quang Đại, theo nhà Huế học Hồ Tấn Phan - là "nhạc quan" trong triều Tự Đức. Ông đã truyền bá ca nhạc Huế và được suy tôn như một "hậu tổ" của ca nhạc Tài tử.

Cũng phải nói rằng không phải chỉ từ khi có Nguyễn Quang Đại và đồng nghiệp đồng hành với ông vào Nam, người dân Nam bộ mới biết đến ca nhạc Huế. Trước ông đã có những người quê Nam bộ ra Huế học đàn ca đem về phổ biến ở quê nhà, như "cậu Tôn" (Tôn Thọ Tường). Nhưng dù thế nào thì đến đây, có thể nói, phong trào "đờn cây" đã có một sự tiếp xúc rất lớn của ca Huế: Nó được bổ sung về phần ca và tăng cường về phần đờn. Và cũng từ đây, phong trào "đờn cây" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Nó hòa đồng với ca Huế để tạo nên loại hình "ca nhạc mới", loại hình "Đờn ca Tài tử".

Tuy nhiên trong cách thưởng thức khác nhau và đối tượng xem, nghe cũng khác nhau nên trong dàn nhạc Đờn ca Tài tử cũng có một số giản biên để phù hợp với cốt cách của người bản địa.

Đây là phương thức vận dụng chủ yếu vào dàn nhạc. Biên chế một dàn nhạc tài tử "rườm rà" nhất cũng không vượt quá biên chế riêng của phe Văn trong nhạc Lễ, và lại càng không thể so sánh với một dàn Tiểu nhạc cung đình Huế. Lý do không phải vì ý thức tiết kiệm nhân lực, mà thực chất là những yêu cầu nghệ thuật. Âm nhạc Tài tử xem trong một cách cân xứng cả thanh nhạc (ca) và khí nhạc (đờn). Mà ca Tài tử chủ yếu là đơn ca, nhiều lắm là đôi ca, chứ không đồng ca hay hợp ca. Vì vậy, để hòa hợp âm lượng giữa ca và đờn, không thể cùng một dàn nhạc biên chế lớn. Mặt khác, tài tử sở trường về những bài bản điệu thức Nam rất cần những âm thanh luyến láy… Chính vì những yêu cầu nghệ thuật đó ta thấy trong dàn nhạc Tài tử không có trống kèn của phe Võ nhạc Lễ, không có những nhạc khí bộ gõ của Tiểu nhạc. Dàn nhạc điển hình của Tài tử là một bộ tứ: kìm, cò, tranh, độc. Nếu sang hơn nữa, bộ tứ trên có thể trở thành "ngũ tuyệt", cây thứ năm sẽ là Tỳ bà hoặc tiêu hay sáo. Chỉ sau này dàn nhạc tài tử mới tiếp nhận thêm cây xến và cây ghi ta việt đến từ dàn nhạc sân khấu Cải lương.

Phương thức giản biên còn được biểu hiện qua cách sắp xếp vị trí ưu tiên của nhạc khí. Nếu ở ca Huế, cây đàn tranh đóng vai trò trụ cột, ở nhạc Lễ phe Văn là Cò thì nhạc Tài tử vai trò ưu tiên lại dành cho đàn kìm và chính nhạc công đàn kìm cũng đồng thời là chân song lang.

Các bài bản phổ biến nhất trong nhạc Tài tử là 20 bài bản tổ (còn gọi là nhị thập huyền tổ bản) thuộc hai điệu Bắc và điệu Nam. 20 bài bản tổ gồm có 7 bản lễ, 6 bản Bắc, 3 bản Nam và 4 bản Oán. Tương truyền rằng các bài bản này do ông Ba Đợi đúc kết và được xem như là những bài căn bản cho những người bắt đầu bước vào lĩnh vực nhạc Tài tử. Một trong những bài bản nổi tiếng trong đờn ca Tài tử là bản "Dạ Cổ Hoài Lang" - nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng - do nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu sáng tác vào năm 1917. "Dạ Cổ Hoài Lang" là bài hát được phát triển dựa trên bài "Hành Vân" của ca Huế. Lời ca của bài hát này được sửa nhiều lần bởi các nghệ sĩ như cô Ba Vàm Lẻo, ông Nguyễn Tử Quang, ông Trịnh Thiên Tư và được đổi tên là "Vọng Cổ Hoài Lang", rồi được đơn giản hóa thành "Vọng Cổ". Từ năm 1945, ông Giáo Thinh tức Nguyễn Văn Thinh, một nhạc sư có uy tín tại Sài Gòn đã đúc kết và phổ biến một hệ thống mới gọi là 72 bài bản cổ nhạc miền Nam (còn gọi là thất thập nhị huyền công). Theo đó, một nghệ nhân được công nhận là bậc thầy nếu biết hết 20 bài bản tổ; và để đạt mức cao siêu hơn, nghệ nhân đó cần biết hết 72 bản này.

Ở vùng Nam bộ sông nước, không gian hữu tình, đa số những người chơi Tài tử là những người biết cái chữ rồi sau những ngày mùa vất vả, họ tụ hợp lại chơi để vui, để bày tỏ tình cảm với nhau. Từ đó tạo thành nét đặc trưng của lối chơi Tài tử, bởi đây là loại hình nghệ thuật đơn giản, không hoa mỹ, cầu kỳ, thích hợp với mọi tầng lớp "Sĩ, nông, công, thương".

Như vậy, loại hình Đờn ca Tài tử ra đời đáp ứng và được sự ủng hộ của nhiều người. Có nhiều người cho rằng "Tài tử" là không chuyên nghiệp, chơi để vui, để giải trí, không lấy lời ca, tiếng hát làm kế sinh nhai; cũng lại nói rằng "Tài tử" là người có tài, người này cũng phải ham mê nghệ thuật, phải theo thầy học từng âm nhấn, giọng láy… Phải ca sao cho mùi, và tạo cho mình một phong cách riêng. Vì vậy, muốn trở thành một người đờn ca tài tử đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.

Đờn ca Tài tử nay được tổ chức rộng rãi hơn vào các dịp đình, đám có, nhóm Tài tử trình diễn làm cho không khí vui và mang đậm nét quê hương. Tại các khu du lịch, loại hình này cũng được thực hiện. Du khách đến tham quan thưởng thức ẩm thực Nam bộ, nhâm nhi chén rượu nghe Đờn ca Tài tử thì không khỏi chạnh lòng, luyến lưu vùng đất thân thương, nơi đã sản sinh ra cái hay cái đẹp cho đời - đó là Đờn ca Tài tử

Hoàng VIệt
.
.