“Con thú” của Như Bình

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:19
Viết từ một kí tự về "nỗi nhớ phờ phạc".


Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh
thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng
gục đầu thú tội.

Em không thể chạy đến tìm anh để ngã,
vào cô đơn
thêm một lần nữa.

Nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà
Nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ
Nỗi nhớ như axít ăn mòn răng và tóc
chỉ còn trơ lại hốc mắt khô
em…

Anh không hay biết đâu, có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa.
Em lạc đường trở về nhà.
Em không nhớ mình là ai
Từng là ai
Vẫn nước mắt vô tình chạm mỗi ngày bất lực.

Em tưởng em đã chết
Ở đâu đó lâu lắm kia, trên cõi thế gian này
Em sợ mình như một linh hồn
Lang thang đi lạc.

Đừng giày vò em, đừng đánh thức em
Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước
Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau
Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu.

Em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn.
Con thú hoang đã nhốt sâu
Dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc
Dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc.

                 Hà Nội, tháng 6 - 2016

Lời bình của Đặng Huy Giang:

Nhân vật người đàn bà trong bài thơ của nữ nhà thơ Bungari E. Bagriana trong bài thơ “Đối khúc” đã yêu người mình yêu đến nỗi phải “giữ mình” ngay khi mình khổ, mình buồn, mình ốm. Và chị “giữ mình” không phải “giữ cho mình” mà là để giữ vẻ đẹp của mình cho người mình yêu. Chị muốn khi ở bên anh, chị phải là người vui vẻ và mạnh khỏe.

Bởi thế mà chị tự nghĩ: “Khi em khổ, em buồn, em ốm/ Anh đừng ở bên em”. Khi ấy, chị buộc phải: “Như con thú/ Náu mình hang kín/ Một mình liếm vết đau”. Chị cũng muốn một mình, tự mình “nhóm hồng tất cả các lò/ của sức sống bản thân em”. Chị làm thế cũng là vì muốn “gieo thành những lời chưa từng nói/ em nói cùng anh”. Và tất nhiên là vì anh.

Chị nghĩ thế và làm thế cũng là vì không muốn thấy một hình ảnh bi lụy của người mình yêu: “Em không muốn thấy anh cũng gục/ dưới thành anh…”. Đơn giản vì chị muốn “được thấy cái đẹp” - cái đẹp lúc nào cũng rạng rỡ, bí ẩn và tràn đầy sức sống.

Một tình yêu mà tận hiến đến thế, chắc chỉ có ở người đàn bà. Cho nên, không phải vô cớ mà triết gia người Đức Nietzsche từng viết: “Trong tình yêu, nếu nàng hỏi chàng, chàng trả lời “chàng muốn”; còn nếu chàng hỏi nàng, nàng vẫn trả lời “chàng muốn”.

Chi tiết “Như con thú/ Náu mình hang kín/ Một mình liếm vết đau” thật ấn tượng!

Nhưng đến “Con thú” của Như Bình, lại khác.

Khi chọn con thú như là biểu hiện cụ thể, sinh động của nỗi nhớ, thì cũng là đã chọn một cách đối mặt trực diện với cô đơn của chính mình trong tình yêu rồi, chưa kể con thú ấy còn là con thú hoang.

Nỗi nhớ ấy có tên là “phờ phạc”. Nỗi nhớ ấy có tên là “rạc gầy”. Nỗi nhớ ấy như axít ăn mòn. Đến nỗi em “chỉ còn trơ lại hốc mắt khô”. Ngỡ như chưa có nỗi nhớ nào lại đau đớn một cách thành thực, khốc liệt và để lại hậu quả lớn đến vậy. Và khi em nói với anh những lời này cũng là nói với chính mình: “Đừng giày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu” thì anh phải tự biết hoặc hãy tự biết, bởi vì em “không thể chạy đến anh để ngã vào cô đơn thêm một lần nữa”.

Con thú ấy đã dọa dẫm (nhe răng), đã sợ hãi (cụp đuôi), đã ra đòn (cắn), đã làm em mệt mỏi đến kiệt sức (phờ phạc). Như thế cũng có nghĩa: Trong trường hợp xấu nhất, dù có thể không gặp nhau nữa, nhưng anh vẫn luôn luôn trong em.

Cá tính của một người viết cũng là cá tính của ngòi bút. Người nào thì thơ ấy. Chả nhẽ Như Bình là vậy sao? 

Đặng Huy Giang
.
.