Có một Lê Cảnh Nhạc đa tình... trong thơ

Thứ Hai, 16/11/2015, 08:00
Người Hà Tĩnh rời quê xa xứ có mấy người là chính khách, hay đại gia tiền bạc. Có chăng thì thành đạt hơn chút chữ nghĩa, văn thơ. Nói ra chiêm nghiệm vui này trong những lần trà dư tửu hậu cùng nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, người đàn ông có đôi mắt hay cười, mỗi lần gặp bạn bè thân hữu đều lấp lánh ánh vui này, anh chỉ biết cười xòa gật đầu tán thưởng. Lê Cảnh Nhạc hiện là nhà văn, tiến sỹ, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

1.Mảnh đất Hà Tĩnh sinh ra nhiều văn nhân kiệt xuất. Có lẽ vì thế mà hậu sinh của các bậc tiền nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận sau này, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt nên ngấm sâu vào trong máu thịt cái nết yêu chuộng văn thơ, yêu câu ca ví dặm, hiếu học và trọng nghĩa  tình.

Cũng có lẽ vì duyên cớ ấy mà có câu: "Nghệ đa tài, Tĩnh đa tình" chăng? Lê Cảnh Nhạc sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy, uống nước sông La, ngấm câu Kiều qua lời ru của mẹ. Từng là nhà giáo đứng trên bục giảng, cái nghề dạy học càng tôi luyện thêm tinh thần yêu văn chương chỉ chờ có dịp là nảy nở trong tâm hồn anh. Thế nên sau này, trên đường đời rộng lớn, anh không trở thành quan võ mà thành quan văn, thành nhà thơ với một trái tim giàu trắc ẩn, để đa mang, để chứa đựng cái tình trong nỗi đời dâu bể âu cũng là lẽ tự nhiên.

Người Hà Tĩnh rời quê xa xứ có mấy người là chính khách, hay đại gia tiền bạc. Có chăng thì thành đạt hơn chút chữ nghĩa, văn thơ. Nói ra chiêm nghiệm vui này trong những lần trà dư tửu hậu cùng nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, người đàn ông có đôi mắt hay cười, mỗi lần gặp bạn bè thân hữu đều lấp lánh ánh vui này, anh chỉ biết cười xòa gật đầu tán thưởng. Lê Cảnh Nhạc hiện là nhà văn, tiến sỹ, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

2.Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc vừa cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ mới trong số 9 tác phẩm cả thơ lẫn truyện ký đã xuất bản của anh. Trước đó từ năm 1990 đến năm 2000, anh xuất bản 5 tập truyện, ký: "Người học trò thứ 31"; "nỗi oan của Đốm"; "Mầm ác và hướng thiện"; "Lâu đài"; "Lời ru không bán". Từ năm 2005 đến nay, trong vòng 10 năm, anh xuất bản các tập thơ "Khúc giao mùa"; "Không bao giờ trăng khuyết"; và mới đây nhất là "Khúc thiên thai" và "Non nước đàn trời".

Ở hai tập thơ mới "Khúc Thiên Thai" và "Non nước Đàn trời", nhà thơ Lê Cảnh Nhạc có sự chủ ý khi sắp xếp một cách kỹ lưỡng, chi tiết nội dung của hai tập thơ như một cách hệ thống lại những sáng tác của mình trong một khoảng thời gian dài và qua đó gửi gắm đến độc giả những thông điệp về tư tưởng, sáng tạo. Thơ chứa đựng tâm hồn người thi sĩ. Cầm trên tay hai tập thơ với sắc màu tím hồng rực rỡ  càng cảm nhận rõ nét ấm áp, vui tươi, trong sáng nhưng cũng rất rạch ròi, phơi bày không giấu giếm những cung bậc cảm xúc của tác giả.

Quan niệm sống, tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Và bên cạnh đó còn là thứ men say ái tình mà người thi sĩ từng một lần nếm trải. Yêu thương, dằn vặt, dồn nén, khao khát, đắm say, là những cung bậc cảm xúc dễ dàng nhận thấy ở đây....

Tôi bất giác nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: "Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho Thơ và phần để Em yêu". Quả vậy không khó khăn lắm để nắm bắt dụng ý của tác giả. Tập "Non nước đàn trời" với bìa màu tím hồng đậm, dày dặn hơn, bao gồm 240 bài thơ được anh viết dành riêng cho tình yêu quê hương, đất nước và con người. Một thứ tình yêu thiêng liêng được bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút đắm say" như lời chú giải ở phần mục lục. Ở đây, anh chia từng phần chủ đề, nội dung mà anh hướng tới. Phần thứ nhất, trang trọng nhất và chiếm dài nhất, sâu đậm nhất anh dành cho tình yêu "Đất nước". Là thứ mà anh chỉ có thể thốt lên "Sông núi nơi đâu cũng lấp lánh tâm hồn". Đó là những bài thơ ghi lại cảm xúc rung động của anh khi đặt chân tới mỗi mảnh đất yêu thương nơi từng vùng miền của Tổ quốc.

Những câu thơ đọc lên mềm lòng lữ khách khi nhớ về một phần mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình: "Chim khách gọi đầu hè, sóc chuyền cành trước ngõ/ Tàu cau rụng sau nhà, hoa bưởi nở vườn bên" (Sao em không về quê cùng anh). Là những xốn xang, say đắm khi đặt chân tới một vùng đất mới: "Tiếng đàn môi gọi bạn tình quyến rũ/ Điệu khèn rung, vách đá cao nguyên/ Thổ cẩm bày thắm chợ Đồng Văn/ Xúng xính sắc màu em gái Mông xuống núi" (Tâm tình cao nguyên đá)... Phần thứ 2: Tâm cảm. Mối giao duyên giữa tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ với thế giới xung quanh, để từ đó khi một mình ngồi lại với trang thơ, người thi sĩ rút tâm can viết ra những triết lý nhân sinh sâu sắc, họ gieo vào thơ nỗi lòng mình, giãi bày cùng thơ những chiêm nghiệm.

Với thi sĩ, thơ như người tri âm tri kỷ đặc biệt trong cõi đời nhiều náo động. Thơ thủy chung với họ trong nỗi đời ghềnh thác, bên họ trong nỗi đau, lặng lẽ cùng họ trong niềm vinh quang... Chỉ với thơ, họ mới có thể trút bỏ, giãi bày tâm can của mình mà không sợ bất cứ một rào cản, một giới hạn nào, dẫu là vô hình: "Ta biết trong ta những góc nào u tối/ Mê hoặc ta đâu dễ đứt lìa/ Bóng tối cuốn đi/ Bóng tối hút về/ Cơn khát cuồng si nô lệ..." (Cám dỗ). Phần thứ 3 có tên gọi: "Giao thoa" anh dành in 33 bản nhạc là những ca khúc được các nhạc sĩ trong nước phổ từ 33 bài thơ của anh trong tổng số 55 ca khúc của anh được là "con chung" với 17 nhạc sỹ, trong đó nhiều ca khúc đã được trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân của Tồng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Với con số ca khúc ấn tượng và rất nhiều giải thưởng từ những ca khúc này, anh là một trong số ít nhà thơ có nhiều bài thơ được phổ nhạc và đạt giải thưởng. Đặc biệt trong số 55 ca khúc các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của anh thì có nhiều bài dành riêng cho quê hương Hà Tĩnh, hay xứ Nghệ nói chung với lời thơ tha thiết, âm nhạc trữ tình. Có thể kể đến: "Mênh mang Vũ Quang", "Linh chuông Đồng Lộc", "Non nước Thiên Cầm", "Về Hương Sơn", Đôi bờ ví dặm", "Mời anh về quê em", "Bình minh Cửa Lò" v.v...

3.Ở tập thơ thứ hai: "Khúc thiên thai", Lê Cảnh nhạc dành 161 bài thơ viết về tình yêu. Ta bắt gặp một nhà thơ Lê Cảnh Nhạc với một phần trái tim "tươi đỏ" dành cho thơ và dành để em yêu trong những vần thơ thiết tha nồng cháy. Những câu thơ viết về tình yêu của Lê Cảnh Nhạc quyến rũ người đọc ở những ngôn từ nhẹ nhàng, giản dị, mà chân thành, say đắm. Nhưng phía sau cái nhẹ nhàng, thanh khiết ấy là sự nồng nhiệt, dữ dội đến "tan chảy cả đất trời".

Bìa hai tập thơ mới của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

Phải bắt nguồn từ một tâm hồn đa tình, nhiều yêu thương, nhưng biết trân trọng và gìn giữ những yêu thương, Lê Cảnh Nhạc mới có thể viết được như thế này: "Dậy chưa em, biển biếc đã thức rồi/ Những tia nắng đang ùa vào khung cửa/ Anh theo nắng đậu vào làn môi đó/ Em có nghe mật ngọt rót tim mình?/ Giọt ban mai lấp lánh thủy tinh/ Như sự sống ánh lên niềm khao khát/ Uống đi em tiếng chim trời lảnh lót/ Trong tiếng thơ anh ủ chín suốt đêm dài" (Giọt ban mai).

Giấu vẻ bề ngoài chỉn chu, mực thước là tâm hồn không phải không chứa đầy những giông bão của ái tình. Là thi sĩ không đa tình thì chưa chắc đã thành thi sĩ có những bài thơ tình để đời. Cái tình ở đây không chắc chỉ là ái tình nam nữ. Cái tình của người nghệ sĩ đôi khi như thể là "ôm cả đất, cả trời mà không ôm nổi một bóng hình". Thức cùng những cung bậc cảm xúc trong "Khúc thiên thai" của anh mới ngấm hết cái vẻ "Tẩm ngẩm mà đấm chết voi" của Lê Cảnh Nhạc trong cái thứ tình chỉ dám trút bỏ vào "thơ" và chia sẻ cùng "thơ": "Anh sẽ đến khi em không chờ đợi/ Thuyền buông neo quằn quại cánh buồm nâu/ Biển trào xô những cơn khát bạc đầu/ Chiều xối nắng sóng duềnh mình đón gió/ Anh sẽ đến khi em không chờ nữa/ Mây lang thang dồn bão tự bao giờ...". "Nhớ anh tan chảy thành sông/ Nhớ em khát cháy cánh đồng cỏ lau/ Dòng sông em đổ về đâu/ Để yêu thương cứ rạc màu tro than...".

Nhưng trong ngút ngàn thương nhớ, trong dâu bể tình đời, hình như nhà thơ nào cũng có một phần sâu nặng dành cho một người duy nhất. Cái người duy nhất ấy giữ bếp lửa hạnh phúc cho họ, để rồi dù đi đâu, về đâu, dù dọc ngang xuôi ngược thì cái góc ấm áp nhất, bền sâu nhất ấy vẫn là nơi chốn duy nhất giục bước chân họ trở về. Dẫu mây có dồn thành bão, biển có thể rạc màu tro than, thì ngôi nhà ấy, đằng sau cánh cửa ấy, mọi giông bão cũng sẽ tan hết, khi bên trong có bếp lửa ngún của đời anh: "Vẫn là em điên đảo hờn ghen/ Nồng như ớt, mặn như là muối bể/ Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế/ Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng/ Vẫn là em cứ thắc thỏm, rối lòng/ Dù chỉ bếp cơm chiều chưa nổi lửa/ Đón con tan trường, ngóng chồng gọi cửa/ Bát canh riêu bữa tối ngậy thơm nhà.../ Đi đến cuối trời không nhạt tình muối mặn/ Bến gia đình neo tơ lòng vương vấn/ Bởi mãi em còn nồng ớt với chua chanh/ Vẫn là em... lửa ngún của đời anh!".

Đọc trọn vẹn hai tập thơ mới "Non nước đàn trời" và "Khúc thiên thai" của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, càng hiểu thêm con người anh. Người đàn ông có dáng vẻ bên ngoài nho nhã, thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ, mực thước. Gặp anh lúc nào cũng thấy trên gương mặt lấp lánh ánh cười. Những đứa em thế hệ sau của anh, mỗi khi ngồi cùng anh, luôn có một cảm giác nhẹ nhõm ấm lòng, như thể vừa chạm được vào một mảnh hồn quê Hà Tĩnh mát lành, nơi Hà Nội ồn ào náo nhiệt. Bao nhiêu năm ra Hà Nội làm việc, mỗi lần họp đồng hương Hà Tĩnh, hay các cựu học sinh Trường PTTH năng khiếu Phan Bội Châu, anh lại là người liên lạc ới từng đứa một. Nhiều khi mấy đứa gặp nhau, nhớ Hà Tĩnh, rủ nhau nhấc máy gọi cho anh, thấy dâng ngập hồn mình một cảm xúc thân thương đến lạ.

Như Bình
.
.