Chuyện khôi hài về môn phái “Lục bát thần chưởng”

Thứ Hai, 15/05/2017, 08:29
Chừng dăm chục năm trở lại đây, Vương quốc Thi ca ở nước ta với hàng triệu thần dân suốt tối ngày “khua thơ - múa bút” đã trở thành đất dụng võ của môn phái “Lục bát thần chưởng” với hàng vạn cao nhân đang tả xung hữu đột trong “trường văn - trận bút”. 


Trong một số lần đàm đạo về sự lạm phát của thi ca bình dân khi “người người làm thơ, nhà nhà in thơ”, có một số “cao nhân” làng thơ cho tôi biết, họ sẽ “dâng sớ” lên trên, cảnh báo sự nguy hiểm của việc “Ngày nay cả nước làm thơ/ Tối ngày lục bát mệt phờ thi ca” đã xảy ra hàng loạt vụ “mạo danh thi ca” để lừa đảo người làm thơ cùng với các vụ kiện tụng tùm lum xung quanh những kẻ “đạo thơ” gây náo loạn thi đàn cả nước. Thậm chí, có “cao nhân” còn đề nghị: Nước ta cần thành lập gấp “Trại cai nghiện thơ” để trước hết, đưa những kẻ lừa đảo, kẻ “đạo thơ”… vào trong đó để “cai nghiện thơ” cho họ trở thành người bình thường và có ích cho “xã hội thi ca”.

Trò chuyện với tôi, có lần một anh bạn nhà thơ quê ở  tỉnh T. cho biết, ở quê anh hiện nay, môn phái “Lục bát thần chưởng” dường như đã ngấm sâu vào “máu” khá nhiều người dân chất phác, hồn nhiên ở các thôn, xóm. Trong số các cụ đến tuổi về hưu hoặc sắp về hưu, có khá nhiều người hăng hái ngày đêm luyện tập “Lục bát thần chưởng”. Môn phái này không chỉ tập hợp được các cụ hưu non, hưu già mà còn thu hút cả các bác, các cô đang độ tuổi sồn sồn vào sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ phường, khóm ở nhiều nơi.

Có câu chuyện khá khôi hài về hội chứng “nghiện thơ” mà anh bạn nhà thơ nói trên đã kể cho tôi nghe. Ở quê anh, mấy năm trước đây, có một ông cao niên “nghiện thơ” khá nặng. Ông này rất mê nhà thơ Bút Tre thuở trước cùng nhà thơ dân gian Bảo Sinh hôm nay, và cho mình là đệ tử của họ. Ông ấy “nghiện thơ” tới độ, bất kỳ thôn hoặc xã có một cuộc họp nào từ 2-3 người trở lên là ông ấy xăm xăm tìm đến, đòi đọc thơ ngay. “Các anh họp dân bàn về chuyện “dồn điền đổi thửa” à? Thì hãy nghe thơ tôi đây:

Ngày đổi thửa, tối dồn điền
Chổng mông em cấy, anh liền chọi trâu

Các anh họp tuyên truyền về sinh đẻ kế hoạch ư? Tôi cũng có thơ ngay: 

Vợ chồng nhất trí đồng tình
Đảm bảo kế hoạch, xuất tinh ra ngoài

Các bác họp dân bàn về chống bọn tham nhũng phải không? Tớ có thơ chống quốc nạn tham nhũng kiểu Bút Tre đây rồi:

Ghế thì ít, đít thì nhiều
Cho nên đấu đá là điều thực thi
Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì
Đưa cái phong bì, vội vã… Thanh Kiu

Các ông họp phê phán các hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng à? Có thơ phê phán  đây nhé:

Đi đái thì đứng giữa đường
Hôn nhau lại nấp sau tường để che
Đậm đà bản sắc chân quê
Thanh lâu xóa sạch, ca- ve đầy đường

Tranh minh họa vui - Internet.

Các cụ họp Câu lạc bộ thơ phường bàn về chuyện kết nạp hội viên thơ năm nay phải không? Vậy các cụ cứ chiểu theo hai tiêu chí này của ông Bảo Sinh mà kết nạp nhé:

Cứ trông dáng vẻ thẫn thờ
Là đúng nó ở Hội thơ mình rồi
Mặt đần như ngỗng…trên đời
Thì đấy đích thực là người làm thơ
Làm thơ phải có vân thơ
Như vân tay ở trên tờ chứng minh
Làm tình phải có vân tình
Vân tình in ở chỗ mình đắm say

Nhà chú có đám cưới linh đình quá nhỉ, nếu không có mặt anh góp vui bằng thơ thì chẳng thằng “chó” nào nó cười được đâu, vậy vỗ tay lên nào, nghe ta đọc mấy câu của nhà thơ Bảo Sinh chơi nhé:

Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khỏa thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người
Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Lại quên mất nẻo đường về
Té ra mình đã bị…mê mẩn mà
Ai mà chẳng thích ăn quà
Nhưng mà vẫn phải về nhà ăn cơm
Nhai cơm thì khô như rơm
Cho nên cứ phải vừa cơm vừa quà

Có người trong làng hỏi trêu ông này: “Nghe một số người nói rằng, ngoài bút hiệu nhà thơ dân gian, bác còn một cái “tục danh” là nhà thơ “dâm gian”, chuyện ấy thực hư thế nào?”. Ông này nhếch mép “cười lấy lệ” rồi trả lời ngay tắp tự: “À, không có chuyện gì to tát đâu, họ chơi chữ ấy mà! Chẳng qua thấy nhiều người gọi tôi là nhà thơ dân gian thì họ nói lái thành nhà thơ “dâm gian” rồi nhà thơ “râm ran” vì thấy tôi thường được mời đi đọc thơ hài ở một số kỳ cuộc.

Thật ra, từ “dân gian” tới “râm ran” rồi “dâm gian” cũng vẫn nằm trong cảnh giới đời thường cả thôi. Điều quan trọng là người làm thơ phải biết vượt sang một cảnh giới khác để nhìn lại cái cảnh giới mà mình và đồng loại đang đắm chìm”.

Khi bàn về chuyện các câu lạc bộ hội hè nói trên, ông nghiện thơ này dứt khoát cho rằng, câu thơ hay nhất của “Ban chấp hành Trung ương các Câu lạc bộ thơ bán chuyên nghiệp Trung ương Việt Nam” thuộc về nhà thơ dân gian Bảo Sinh:

Hội vui nếu vắng đàn bà
Thì điều chắc chắn người ta không vào
Hội vui chen chúc thích sao
Gái tơ nó huých chỗ nào cũng sưng…

Nghĩa là ông nghiện thơ “Lục bát thần chưởng” nói trên sẵn sàng phục vụ nhu cầu thơ của mọi tầng lớp độc giả và tất cả bà con làng trên xóm dưới cả đêm lẫn ngày. Rồi tới một hôm, bỗng dưng không hiểu vì sao ông lại nhận được cái giấy mời màu hồng in chữ đậm rõ to: “Câu lạc bộ thơ bán chuyên nghiệp Trung ương trân trọng mời nhà thơ…đến Hội trường Ba Đình dự Đại hội đại biểu Hội nghị Trung ương Thơ bán chuyên nghiệp toàn quốc của các nhà thơ Việt Nam”.

Mừng như bắt được vàng, ông liền mang ngay giấy mời này lên UBND xã nhà, gặp bằng được lãnh đạo đề nghị rằng: “Từ xưa đến nay, cả vùng phủ huyện này, chứ không riêng gì xã chúng ta, chưa bao giờ có một nhà thơ nào như tôi được Trung ương mời lên dự Hội nghị thơ toàn quốc ở Hội trường Ba Đình. Đây là niềm vinh dự chung cho cả huyện, cả tỉnh chứ không phải riêng xã mình.

Từ nay trở đi tôi đã được công nhận là nhà thơ cấp Trung ương rồi nghe chưa! Do vậy tôi đề nghị các sếp trong xã triệu tập một cuộc họp mời đại diện nhân dân trong xã, mỗi gia đình một người đến dự họp liên hoan để tiễn nhà thơ tôi lên đường dự Hội nghị Thơ trung ương”.

Thấy lãnh đạo xã ngơ ngác, ông này liền đưa ra cái giấy mời in rất trang trọng, dấu son đỏ lòe của… Trung ương ra để chứng minh và nói khẽ như rót mật vào tai các sếp xã: “Anh sẽ chi tiền toàn bộ cho cuộc liên hoan cả mặn lẫn ngọt tại trụ sở của xã, tiền loa đài, hát xướng, băng rôn khẩu hiệu anh cũng chi hết và anh còn có phong bì riêng cho mấy chú. Cứ tổ chức cho thật long trọng, thịnh soạn vào nhé!”.

Sếp xã cười tít mắt vì thấy đúng là giấy mời của cấp Trung ương thật, lại còn họp ở tận Ba Đình thì ghê gớm quá, vả lại cũng “chẳng mất gì của bọ”, vừa được tiếng lại có miếng nên đồng ý triển khai luôn.

Thế là trước ngày tiễn  ông này đi dự Hội nghị Thơ ở Ba Đình, Hà Nội, các sếp xã tổ chức một cuộc liên hoan rất long trọng giới thiệu với nhân dân toàn xã gương mặt nhà thơ cấp Trung ương, đại diện cho nền thơ của tỉnh nhà đi dự hội nghị cấp cao. Bà con trong xã kéo đến dự liên hoan khá đông, hát chèo, múa hội, đọc thơ, bình thơ… đến tận nửa đêm chưa dứt. Sáng hôm sau, cả xã lại cờ rong trống mở đi tới vài cây số đường đồng để tiễn nhà thơ ta lên đường dự Hội nghị Thơ toàn quốc.

Lên tới Hà Nội, nhà thơ ta mới ngã ngửa người ra khi được báo tin, vì Hội trường Ba Đình đang phải dỡ bỏ để xây nhà Quốc hội mới, nên Hội nghị Thơ bán chuyên nghiệp Trung ương phải chuyển sang tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Vì thế nên Ban tổ chức đề nghị các nhà thơ dự Hội nghị phải đóng tiền để thuê hội trường, thuê in sách, in bằng khen…và tiền ăn, tiền ở mấy ngày ở Thủ đô cùng nhiều chi phí khác.

“Nhà thơ vườn” biết rằng cái kiểu “mua danh phải mất ba vạn…mà bán danh chẳng được đồng nào” này là khó tránh khỏi trong cái thời buổi “kim tiền” nhố nhăng này, nên ông cũng dằn lòng bỏ tiền túi để lo mọi sự cho chu tất. Mấy ngày sau, từ Hội nghị Thơ Trung ương trở về, nhà thơ ta cõng trên lưng cả một “bồ thơ” mà thi hữu cả nước ký tặng; rồi mấy tập thơ dày cả ngàn trang, tập nào cũng có in mấy bài thơ của ông mà tập nào ông cũng phải “sung sướng” bỏ tiền ra cho họ in thơ mình. Chưa hết, ông còn phải è lưng vác cả loạt gần chục cái bằng khen, giấy chứng nhận…của hội thơ nọ, hội thơ kia đặt vào khung ảnh “sơn son thếp vàng” để mang về treo cho mát nhà, mát cửa.

Chẳng biết ông gọi điện thoại dặn dò trước các sếp ở xã ra sao mà khi ông về cách làng mình khoảng dăm cây số, ông đã thấy một đội con cháu người làng múa lân, cờ rong trống thúc đi đón ông như thể rước “trạng nguyên thơ” về làng thuở trước. Thế rồi, chẳng kịp nghỉ ngơi gì, ông về thẳng trụ sở của xã để kịp thời báo cáo với các sếp và bà con toàn xã về kết quả “nóng hôi hổi” của Hội nghị Thơ toàn quốc mà ông được vinh dự đại diện cho tỉnh nhà đi dự.

Tiếp theo, bà con trong làng lại liên hoan, lại hát múa, lại đọc thơ om sòm suốt cả buổi và phong cho ông này cái chức “Đại kiện tướng Thơ lục bát” để vinh danh ở bảng vàng của xã. Sau này, có người nói với anh bạn của tôi, “Đại kiện tướng thơ” này đã tốn gần trăm triệu đồng trong cái vụ vinh danh thơ ông nói trên.

Nguyễn Việt Chiến
.
.