Chọn du lịch hơn là chọn thép

Thứ Năm, 08/09/2016, 10:22
Cách đây chưa lâu, một họa sỹ tên tuổi chia sẻ với tôi một câu chuyện thú vị. Số là công ty du lịch muốn mời anh làm hướng dẫn viên cho một cặp vợ chồng doanh nhân ngoại quốc sang Việt Nam công tác. Cặp vợ chồng ấy chỉ có đúng 1 ngày ở Hà Nội, và họ muốn đi tới 3 di tích cổ kính, với mục đích tìm hiểu văn hóa Thăng Long xưa. Và người họa sỹ ấy đã nhận lời một cách hứng khởi. Anh nhận lời không phải vì khoản thù lao hậu hĩnh nào đó mà vì lý do khác: anh ủng hộ một cách làm du lịch rất có văn hoá, biết tự hào và trân trọng các giá trị cần bảo tồn.


Kết thúc câu chuyện, anh họa sỹ chia sẻ, có người trong chúng tôi đã đùa rằng "May cho anh là anh không dẫn họ đi thăm ở Huế. Ở đó, họ có thể phạt anh 5 triệu vì tội làm hướng dẫn viên mà không có thẻ hành nghề đấy".

Câu chuyện cùng lời trêu đùa đã để lại một suy nghĩ về cách chúng ta đang làm du lịch hiện nay. Dường như chúng ta chưa đánh giá hết mức độ đa dạng mà một ngành dịch vụ đặc thù cần phải có. Dường như chúng ta đang thực hiện ngành dịch vụ đặc thù ấy một cách quá công thức, máy móc và lạc hậu. Để rồi kết quả thu lại được không tương xứng chút nào với tiềm năng du lịch vốn có của nước nhà.

Khi chính quyền Hà Nội quyết định biến khu vực xung quanh Hồ Gươm thành phố đi bộ, sự hào hứng của cộng đồng, của cả những du khách nước ngoài đã là một câu trả lời thú vị. Trước đó, lệnh dỡ bỏ "giờ giới nghiêm" với việc buôn bán dịch vụ ăn uống, vui chơi ban đêm ở một số khu phố du lịch cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả dân cư lẫn những du khách ghé thăm thành phố. Phải thừa nhận, những khu du lịch thì thường ồn ào, vì bản chất náo nhiệt của nó. Nhưng những người dân sống ở khu vực ồn ào đó có khó chịu không? Chúng ta có thể nhận ra kết quả là "không".

Đơn giản, họ được sống trong một môi trường nhiều cơ hội kinh doanh, một môi trường mà sự chi tiêu của du khách có thể khiến nguồn thu của cụm cư dân ấy được cải thiện đáng kể. Và hơn hết, họ nhận thấy nơi mình sống rất sinh động, dồi dào năng lượng và đáng sống.

Còn du khách thì sao? Tất nhiên là họ sẽ rất hài lòng bởi đối với một du khách, kỳ nghỉ không chỉ là thăm thú, an dưỡng mà còn là vui chơi. Bangkok là một bài học lớn cho chúng ta ở khía cạnh ấy. Bangkok không nhiều thắng cảnh hơn Hà Nội nhưng Bangkok thu hút du khách bởi cái chất "Bangkok" của mình. Đó là một thành phố của giải trí, nơi người ta chỉ có thể vui hoặc vui hơn mà thôi.

Đánh giá lại tiềm năng du lịch là việc rất cần làm lúc này để phát triển ngành công nghiệp không khói ấy. Nhưng đánh giá lại tiềm năng không phải là việc khảo sát xem chúng ta có những danh thắng nào, những khu nghỉ dưỡng thiên nhiên ra sao, rừng vàng, biển bạc chốn nao mà cái cần làm là nghiêm túc soát xét lại cách tổ chức dịch vụ đã đủ đáp ứng các nhu cầu: thưởng lãm, tìm hiểu và ăn chơi… của du khách hay chưa.

Nếu xác định du khách đến với một thành phố biển chỉ vì ở đó có biển, điều đó có nghĩa là ta chưa làm tốt dịch vụ du lịch. Nghỉ dưỡng theo kiểu chỉ đến thành phố biển để tắm biển, phơi nắng, ăn hải sản, chụp ảnh là kiểu nghỉ dưỡng của người già thụ động, cổ điển. Và nếu chỉ khai thác tới mức đó, doanh thu chúng ta nhận được cũng chỉ ở mức đó.

5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đón 4 triệu lượt du khách. Nếu chỉ là kiểu du lịch cổ lỗ sỹ đơn thuần, với tính toán trung bình mỗi du khách tiêu tốn khoảng 50 USD mỗi ngày lưu trú, 4 triệu lượt khách ấy, nếu lưu trú lại 1 tuần, có thể sẽ chỉ mang về cho ngành du lịch Việt Nam 1 tỷ 4 trăm triệu USD mà thôi. Nhưng giả sử, mỗi thành phố du lịch đều có chỗ cho họ ăn chơi, giải trí, và mỗi ngày họ tiêu thêm 10 USD cho các dịch vụ ăn chơi giải trí ấy thôi, chúng ta đã nhìn thấy có 280 triệu USD lơ lửng đâu đó trong không gian, và trôi sang các nước láng giềng rồi.

Nếu chúng ta có thể khai thác triệt để thế mạnh du lịch của mình, có lẽ Việt Nam không cần đến những nhà máy thép như Formosa hay dự án mà ông chủ Tôn Hoa Sen mới đăng đàn hứa hẹn rất hão huyền.

Văn Đoàn
.
.