Chính quyền chủ động, cộng đồng chủ quan

Thứ Năm, 13/05/2021, 10:30
Tận dụng chính thời kỳ chống dịch này để tập thêm các thói quen tốt là một điều đáng làm. Đó là một cách sử dụng thời gian hữu ích để tạo ra các giá trị mới cho bản thân mình. Nếu cả cộng đồng thực hiện được việc ấy, sau dịch, xã hội Việt Nam sẽ có những tiến bộ hơn, văn minh hơn và chắc chắn, mang lại nhiều hiệu quả hơn.


"Xử phạt trung tâm thương mại Vinh Centre 15 triệu đồng vì vi phạm quy định phòng, chống dịch", "Cận cảnh hàng trăm người dân phớt lờ lệnh cấm vẫn ra công viên tập thể dục"... Đó là những cái tít mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên truyền thông những ngày này và nó cho thấy một tình trạng phổ biến: ý thức chấp hành quy định quá kém và thái độ xem thường sự nguy hiểm của dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan.

Thật ra, những gì báo chí phản ánh mới chỉ là bề nổi mà thôi. Nếu mỗi chúng ta tự quan sát những vận động của đời sống xung quanh mình, chúng ta sẽ giật mình khi thấy sự chủ quan của nhiều người trong thời kỳ chống dịch căng thẳng như chống giặc này.

Trong một lần chia sẻ gần đây với bạn bè, lãnh đạo của một đơn vị hàng không cho biết, việc một tiếp viên từng bị nhiễm virus SARS-Covi-2 cũng chỉ vì nguyên nhân rất bé nhỏ. Do sơ suất trong việc tháo khẩu trang không đúng cách, tiếp viên trên để tay chạm vào bề mặt bên ngoài của khẩu trang và từ đó nhiễm bệnh. Ông kể câu chuyện ấy để nhấn mạnh rằng, việc chống dịch đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt đến từng chi tiết của 5K.

Khi chính quyền địa phương đồng loạt huỷ hoạt động bắn pháo hoa vào dịp 30/4, đó chính là một thông điệp cẩn trọng mà cộng đồng cần phải nắm bắt. Tiếc thay, thay vì hiểu đó là một quyết định trước tình trạng phức tạp của diễn biến dịch, cộng đồng vẫn tổ chức các hoạt động du lịch, ăn chơi một cách thoải mái mà không suy xét đến hệ quả của nó sau đợt nghỉ lễ.

Có thể nói, đã bắt đầu có tình trạng "chính quyền thì chủ động, cộng đồng lại chủ quan" trong suốt thời gian qua. Số lượng người bị phạt hành chính vì không đeo khẩu trang nơi công cộng đủ cho thấy thái độ chủ quan ấy đang phổ biến như thế nào. Và thực sự, rất khó có thể khống chế dịch tốt nếu cộng đồng toàn đặt các cơ quan chức năng vào thế khó như kiểu này.

Một lần giãn cách xã hội là một lần kinh tế đình trệ, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của từng người. Vậy mà sau những đợt giãn cách đã có, cộng đồng dường như vẫn không mấy rút ra kinh nghiệm. Tâm lý "xoã" sau giãn cách là một thứ có thể thông cảm được, nhưng nó rất đáng lo ngại bởi "xoã" có thể đi tới quá đà và dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.

Kiểm soát chính bản thân mình là thứ quan trọng nhất mà người Việt cần phải thực hiện được lúc này. Thực chất, việc kiểm soát bản thân không chỉ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng ở một đợt chống dịch cụ thể nào đó, mà còn trong cả đời sống thường nhật khi không có dịch bệnh, thiên tai đe doạ.

Để có được sự kiểm soát bản thân ấy, thứ rất cần là việc thu thập, theo dõi các thông tin quan trọng, để từ đó đánh giá tình thế và đưa ra phương án ứng xử phù hợp. Học kiểm soát bản thân cũng sẽ giúp chúng ta tiếp cận với một đời sống biết tuân thủ pháp luật hơn khi biết đặt hành vi có thể có của mình vào các tham chiếu luật pháp xem có phù hợp hay chưa.

Tận dụng chính thời kỳ chống dịch này để tập thêm các thói quen tốt là một điều đáng làm. Đó là một cách sử dụng thời gian hữu ích để tạo ra các giá trị mới cho bản thân mình. Nếu cả cộng đồng thực hiện được việc ấy, sau dịch, xã hội Việt Nam sẽ có những tiến bộ hơn, văn minh hơn và chắc chắn, mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Văn Đoàn
.
.