Chiếc chìa khóa mở ra tất cả

Thứ Bảy, 11/11/2017, 07:54
900 tỷ USD, đó là con số đủ khiến tất cả chúng ta phải nín thở, không chừa bất kỳ ai, trên khắp tinh cầu này. Nó bằng khoảng 1/20 GDP của Hoa Kỳ, quốc gia có GDP đứng top 3 trên thế giới. Nhưng đó là một con số có thật. Nó là giá trị thị trường của Apple ngay sau thời điểm cho họ ra mắt iPhone X, sản phẩm mà nhiều người Việt ở nước ngoài đã xếp hàng để mong mỏi có thể “xách tay” về sớm nhằm kiếm lời. 


Nếu Việt Nam có khoảng 4-5 tập đoàn mà thị giá của nó vào khoảng 50 tỷ USD thôi, chắc chắn nền kinh tế của chúng ta đã khác rất nhiều chứ không chỉ dừng lại ở mức độ một quốc gia đang phát triển với GDP khiêm tốn khoảng trên 200 tỷ USD. Khát vọng, mơ ước có được những tập đoàn như thế tất nhiên là một khát vọng, mơ ước chính đáng, nhất là khi chúng ta đang muốn chuyển mình, đang làm mọi cách để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa.

Nhưng khát vọng ấy được thực hiện theo cách nào mới là điều cần phải nghĩ, bởi nó không hề đơn giản chút nào. Tạo nên một tập đoàn có thị giá 50 tỷ USD đã là thách thức khó chinh phục chứ đừng nói đến chuyện mong muốn có 4 hay 5 tập đoàn như thế.

Những khách hàng nhận chiếc iPhone X đầu tiên.

Khát vọng xây dựng những tập đoàn kinh tế mạnh bấy lâu nay vẫn xoay quanh việc trả lời câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”, một câu hỏi rất rộng, với nội hàm của nó có thể là băn khoăn về lựa chọn lĩnh vực; suy ngẫm về lựa chọn mô hình; đắn đo về lựa chọn sản phẩm chủ đạo…

Và chúng ta cũng đã trải qua rất nhiều thất bại, không chỉ vì sự ngây thơ, chủ quan, duy ý chí, mà còn vì cả những vấn nạn rất con người. Song, dẹp sang một bên hết các nguyên nhân chung chung kể trên, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ một điểm mà chúng ta rất thiếu. Đó chính là xây dựng những nền tảng văn hoá, thứ luôn là chìa khoá để mở ra tất cả.

Hãy nhìn vào câu chuyện 900 tỷ USD của Apple, một doanh nghiệp đã từng bên bờ vực khủng hoảng trầm trọng ở cuối thế kỷ XX, chúng ta thử trả lời chính mình rằng liệu có phải iPhone X đã tạo nên cú đột phá ấy hay không? Dứt khoát là không. IPhone X, như mọi thế hệ iPhone khác, chỉ là một sản phẩm đơn lẻ mà không có nó, Apple sẽ buộc phải có sản phẩm khác.

Cả một chuỗi các thế hệ iPhone có thể góp phần tạo nên thành tựu kia cho Apple, nhưng không phải phần đóng góp ấy là chủ đạo. Thứ mà Apple đã tạo ra, để chinh phục thị trường ngày một gian nan hơn này, chính là văn hóa. Họ không bán các sản phẩm cụ thể như chiếc điện thoại, cái đồng hồ thông minh, cái máy nghe nhạc, thiết bị thu phát tín hiệu video (Apple TV) hay những chiếc máy tính xách tay lịch lãm, có xu hướng tương lai, thời thượng và đẹp như trang sức. Thứ họ bán là cả một hệ sinh thái, thứ vô hình hơn, nhưng tạo điều kiện đủ để các sản phẩm phần cứng của họ có đời sống, và ngày một ngày khiến các khách hàng sử dụng cảm thấy bị phụ thuộc, không thể thoát ra khỏi cái hệ sinh thái ấy.

Khi cái giao diện nghe nhạc iTunes thông thường tồn tại cả gần 20 năm nay của Apple được thay đổi để trở thành một sản phẩm mềm có tên gọi là Apple Music, đó chính là bước biến chuyển mạnh mẽ của Apple. Họ đón đầu được cái chết của hoạt động tải nhạc số, đón đầu được tương lai sinh trưởng của nhu cầu nghe nhạc trực tuyến (streaming), nhu cầu có thể săn tìm bất kỳ một nhạc phẩm nào ở bất kỳ giây phút phát sinh mong muốn nào của người dùng, miễn là người dùng ấy có đăng ký dịch vụ của Apple, với một cái giá vào khoảng 10 USD mỗi tháng.

Hãy hình dung xem, với 10 USD ấy, Apple có lại được gì? Với con số 27 triệu người đăng ký (tính đến tháng 6-2017), Apple có thu nhập đều đều khoảng hơn 2 tỷ USD mỗi năm. Chính cái thu nhập đó là một phần tạo nên sức hút lạ kỳ với các nhà đầu tư, và biến Apple thành doanh nghiệp có thị giá tới 900 tỷ USD ngày hôm nay.

Và hãy mở rộng hình dung hơn, chúng ta nhìn vào một thế giới hôm nay, khi những đối thủ cạnh tranh chính yếu trên thị trường nghe nhạc trực tuyến toàn cầu chỉ nằm vừa vặn trên đầu ngón tay của một bàn tay (Amazon, Google Music, Apple Music và Spotify) và toàn cầu đang có hơn 7 tỷ con người sinh sống, cái thị trường ấy nó màu mỡ đến mức nào. Tương lai của Apple vẫn còn rộng mở lắm, nhất là khi 27 triệu người dùng kia vẫn chỉ là con số nhỏ trong số những người sử dụng các sản phẩm khác của Apple, hay nói khác hơn, đang nhúng một chân vào hệ sinh thái của Apple.

Không có hệ sinh thái ấy, Apple không thể thành công. Android cũng là một hệ sinh thái riêng và cũng mang lại thành công cho những thuơng hiệu gắn liền với nó. Và điều đáng nể nhất chính là vì họ, những hệ sinh thái của họ, những luật lệ về kinh doanh âm nhạc đã phải được định nghĩa, điều chỉnh lại cho phù hợp với sức phát triển của thời đại.

Trở lại với Việt Nam, chúng ta chỉ tạo ra những sản phẩm theo cách suy nghĩ cổ điển của cuộc cách mạng công nghiệp trước đó một cách đơn thuần. Và chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hôm nay, khi chúng ta nói rất nhiều về nó. Nhưng chúng ta đang tạo ra được cái gì gắn liền với 4.0 ấy, đủ để tạo đời sống cho các sản phẩm của mình đây? Gần như vẫn là con số 0, khi thực sự không mấy người làm kinh doanh thật lòng quan tâm đến văn hoá.

Trong một trò chuyện gần đây, ở vai trò tư vấn của mình, với một tập đoàn truyền thông, tôi có đặt câu hỏi với những lãnh đạo của họ, và cả những nhân viên chủ chốt, về chuyện “các bạn có quan tâm tới xã hội học hay không?”, khi biết họ đang phát triển một sản phẩm tương tự mạng xã hội. Tất cả đều im lặng, nhiều người lắc đầu, và thậm chí khi được nghe những phân tích của tôi về sự lớn mạnh của “phản văn hoá” (counter-culture), có người còn không hiểu về khái niệm ấy. Vậy thì dấu hỏi lớn là họ sẽ “đưa sản phẩm vào đời sống xã hội thế nào, nếu họ không nghiên cứu và hiểu bản chất của xã hội?”.

Văn hóa không thể chỉ còn được xem là thứ “hoa lá cành cho vui, để tô điểm đời sống” như cách nghĩ thông thường của đại đa số nữa rồi. Nó chính là chìa khóa, để mở ra mọi cánh cửa và trước mắt chúng ta đang là những cánh cửa rất khó khăn, đầy bí ẩn, trong nỗ lực phát triển kinh tế, thay đổi vận mệnh của quốc gia và dân tộc.

Hà Quang Minh
.
.