Chết, chưa phải là… hết

Chủ Nhật, 30/09/2007, 20:05
Sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình, ai rồi cũng đến lúc "về cõi". Và đối với một số trường hợp - trong đó có các văn nhân, thi sĩ - chết không có nghĩa là… hết.

Trong vài mươi năm trở lại đây, có lẽ hiếm năm nào mà các văn nhân thi sĩ lại ra đi nhiều như cái năm 2007 này. Chỉ tính sơ sơ trong làng văn từ đầu xuân tới nay, chúng ta đã phải lần lượt cúi đầu giã biệt các nhà văn, nhà thơ: Xuân Thiều, Trần Bạch Đằng, Thanh Châu, Đào Xuân Quý, Võ Quảng, Hữu Mai, Kim Lân… rồi mới đây nhất là nhà nghiên cứu phê bình văn học Phan Cự Đệ.

Toàn những cái tên nghe… chắc nịch. Và, bên cạnh nỗi buồn đau thương tiếc, các tòa báo cũng nhiều phen phải xoay xỏa để có tin, bài phản ảnh kịp thời cũng như điểm xuyết những nét chính yếu trong cuộc đời và sự nghiệp của các bậc tài danh nói trên.

Đây đó đã có một đôi vị giữ chân thư ký tòa soạn của một vài tờ báo, tạp chí văn hóa văn nghệ phải thốt lên: "Cứ in cáo phó, bài phúng điếu nhiều thế này thì báo bán sao được!".

Thôi thì bỏ qua những lời ca thán thuần lý và có phần hơi… nhẫn tâm ấy, tôi bỗng nhận thấy cách đưa tin, viết bài về các nhà văn vừa quá cố của chúng ta thời gian qua có những điểm còn thiên lệch, cần phải bàn thảo.

Vì rằng, sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình, ai rồi cũng đến lúc "về cõi". Và đối với một số trường hợp - trong đó có các văn nhân, thi sĩ - chết không có nghĩa là… hết.

Chẳng thế mà, trước khi trút hơi thở cuối cùng, thi sĩ Pháp lừng danh thế kỷ XIX là Anphrết đờ Muyxê đã thốt lên: "Chết! Ôi đến giờ tôi mới được ngủ ngon".

Còn nhà thơ Tố Hữu của chúng ta thì viết :"Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/ Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh". Chết như thế làm sao có thể coi là… hết.

Trong khi đó, đọc những bài "nửa cáo phó, nửa chia buồn" xuất hiện đầy rẫy trên báo chí hiện thời (đa phần được chấp bút bởi những cây bút trẻ rất ít có cơ hội tiếp cận đối tượng mình đề cập), người đọc cảm thấy ngoài giá trị thông tin, nó ít đem tới cho người đọc những rung cảm sâu xa cùng những chi tiết gây được ấn tượng sâu sắc.

Nói một cách sòng phẳng thì đa phần những bài viết như thế chỉ gọi là "làm… cho có", chứ ít gây hấp dẫn người đọc. Thậm chí, nó còn tạo một cảm giác nặng nề, u ám.

Có thể tôi dùng hai chữ "hấp dẫn" ở đây, có người sẽ lấy làm thắc mắc, rằng tại sao trước việc một đồng nghiệp mất đi, chúng ta lại đặt vấn đề "hấp dẫn" hay không "hấp dẫn". Và chuyện tang gia, lấy đâu mà "hấp dẫn" được?

Sự thật là cách đây vừa đúng hai chục năm, khi tuần báo Văn nghệ ra một số báo gần như có tính chuyên đề xoay quanh sự kiện lão nhà văn Nguyễn Tuân từ trần, báo đã bán hết veo chỉ trong 1, 2 ngày.

Mọi người xôn xao tìm đọc để thêm hiểu về những khoảnh khắc riêng tư của lão nhà văn. Và điều đặc biệt đáng nói là, ở số báo này, người đọc không phải tiếp xúc nhiều với bầu không khí tang tóc được phơi trải trên mặt báo, bởi đây đó họ còn bắt gặp nhiều câu chuyện vui hóm...

Bên cạnh những bức vẽ ông cụ mắt nheo râu quặp trông rất đỗi "ngộ nghĩnh trẻ thơ" là những bài khá dí dỏm, trong đó, bài của nhà văn Kim Lân "Nguyễn Tuân, anh là người sung sướng nhất" được viết với giọng bông đùa (rất hợp với tính cách Nguyễn Tuân) đến nay vẫn được nhiều bạn đọc nhắc, nhớ.

Được biết, trong một lần trò chuyện cùng bạn hữu, nhà văn Nguyễn Tuân đã "di chúc" vui rằng, sau này, khi đưa ông về… nghĩa trang Văn Điển, thay vì việc mua hoa phúng, mọi người hãy dồn tiền vào mua một téc bia hơi, để bạn bè đi sau xe tang ông, vừa uống bia vừa tiễn đưa ông cho buổi lễ thêm phần… long trọng.

Phải chăng, từ thái độ bình thản đối với cái chết như thế, mà không khí ở những bài viết về Nguyễn Tuân trong số báo chuyên đề nói trên cũng nhẹ nhõm hơn, và các bài viết vì thế cũng hấp dẫn hơn?

Như vậy, không thể nói những bài báo viết để chia tay một số văn nghệ sĩ nào đó chỉ là những bài "phúng viếng" thuần túy, không thể hấp dẫn được? Vấn đề là ta chọn lựa cách thể hiện như thế nào. Không nhất thiết trong các bài tưởng nhớ, tất cả đều phải chung một giọng xa xót, buồn thương.

Chẳng đã có chuyện, khi tiễn đưa một nhạc sĩ tài danh trở về Đất Mẹ, người ta đã cùng hát vang một nhạc phẩm mà ông nhạc sĩ này sáng tác đó sao?

Ở đây, tôi chỉ xin được nêu một ý nhỏ là: Với người vừa ra đi, nếu ta không kéo họ gần lại được hơn với cuộc đời này thì cũng đừng nên đẩy họ xa thêm nữa. Và chỉ như thế, những bài viết tưởng niệm họ mới trở nên thực sự có ý nghĩa

Phạm Thành Chung
.
.