Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010)

Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam

Thứ Hai, 17/05/2010, 11:45

Trong bài "Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ", tôi viết rằng Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam sớm nhất và thành công nhất, mà còn là cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam. Trong bài này, tôi sẽ phân tích kỹ hơn về điều đó.

Tác phẩm đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến là "Con người biết mùi hun khói" (Enfumé), in trên tờ L'Humanité, số ra ngày 20/7/1922. Chắc chắn truyện ngắn này là một trong những truyện hư cấu hiện đại đầu tiên của văn chương Việt Nam - cùng năm với "Ai làm được" của Hồ Biểu Chánh, bốn năm trước "Tố Tâm" và hàng chục năm trước Tự Lực Văn Đoàn.

Đúng như Giáo sư Hoa Kỳ Brent Hayes Edwards đã nhận định trong "The Shadow of Shadows, và tôi cũng đã viết trong bài "Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ", đây là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trong đó, độc đáo hơn cả tính viễn tưởng. Mặc dù được công bố vào năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Chúng ta hãy đọc đoạn mở đầu:

"Thành phố Haoussas cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió. Ấy là lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Cộng hòa Liên hiệp Phi”.

Trong cảnh lễ hội đó, nhân vật chính, cố Kimengo, "tuổi đã chín mươi, là một cựu chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen", kể lại câu chuyện xưa: Những người dân thuộc địa Pháp nghèo khổ không có tiền nộp thuế, phải bỏ trốn vào hang. Bọn thực dân hun khói làm những người trong hang chết ngạt. Riêng cố Kimengo may mắn ở gần một kẽ nứt, đào một cái ngách, thoát ra được và trở thành "chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen". Cố Kimengo "không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung".

"Con người biết mùi hun khói" của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam.

Nhưng điều còn kỳ lạ hơn cả tính viễn tưởng là tính tiên tri của nó. Nếu lưu ý rằng trong truyện, lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 40 (của thế kỷ XX).

"Con người biết mùi hun khói" không phải là truyện viễn tưởng duy nhất của Hồ Chí Minh. Sau này, tác giả còn trở lại với thể loại này trong "Giấc ngủ mười năm" (1949) với bút danh Trần Lực. "Giấc ngủ mười năm" có văn phong giản dị, thậm chí chất phác, phù hợp với tính cách của nhân vật chính - "Nông Văn Minh, người Nùng Cao Bằng. Sinh năm 1920". Nông Văn Minh là con nhà nghèo, lên mười tuổi đã phải đi ở chăn trâu. Được giác ngộ cách mạng, sau năm 1945, anh tham gia vào Vệ Quốc quân đánh Tây. Trong trận đánh đèo Bông Lau năm 1947, Minh bị thương vào đầu, ngất đi, khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Một cô gái trẻ ông chầm lấy anh hôn lấy hôn để làm Minh ngượng nghịu. Đây là đoạn cao trào trong bệnh viện:

"- Đồng chí chớ làm thế. Anh em họ cười chết! Đây là đâu, hử cô? Cô là ai?

Cô ấy nhẹ nhàng trả lời:

- Đây là Dinh dưỡng đường Cụ Hồ. Tôi... là...

Nghe nói Cụ Hồ, tôi liền hỏi:

- Cụ ở đâu? Cụ có mạnh khỏe không, đồng chí?

- Cụ vẫn khỏe luôn. Cô ấy vừa nói vừa ghé cốc sữa gần miệng tôi, bảo tôi uống một hớp.

Uống xong hai hớp sữa, tôi hỏi tiếp:

- Cô biết bộ đội của tôi nay ở đâu không? Trận Bông Lau thắng chứ?

Cô bé ngập ngừng một phút rồi nói:

- Bộ đội... ở... hình như đóng ở Thủ đô... Trận Bông Lau... Trận Bông Lau quân ta thắng to.

Nghe nói vậy, tôi mừng quá. Tôi muốn ngồi dậy, đi tìm bộ đội của tôi ngay. Cô bé dịu dàng bảo tôi khoan dậy đã. Quen giữ kỷ luật, tôi cứ nằm im rồi hỏi:

- Thế thì Việt Bắc thế nào rồi? Giặc Pháp thất bại chứ? Tôi đến đây đã mấy hôm?

Cô bé mỉm cười không trả lời. Nhè nhẹ bước qua buồng bên cạnh. Sau một phút trở vào, tay cầm quyển lịch, chỉ cho tôi xem. Tôi lẩm bẩm đọc: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc/ 15 tháng 8 năm 1958”.

Tôi giật mình rú lên:

- Trời ơi! Tôi vào đây mười năm rồi sao? Tôi ngủ mười năm rồi sao?

Cô bé lại ôm tôi hôn. Tôi lại nhè nhẹ đẩy cô ta ra.

Cô vừa khóc thút thít vừa nói:

- Cha quên con rồi sao? Cha không nhận được con nữa hay sao? Con là Đào đây mà!".

Hóa ra cô gái chính là con gái anh, nay đã lớn, đang học Đại học Y khoa. Cô con gái ngồi kể cho bố nghe về những đổi thay trên quê hương đã hoàn toàn độc lập.

Cũng giống như "Con người biết mùi hun khói", truyện "Giấc ngủ mười năm" có tính tiên tri lạ lùng. Được Tổng bộ Việt Minh xuất bản tại Việt Bắc năm 1949, nhưng phần lớn các sự kiện được tác giả mô tả diễn ra trong khoảng thời gian từ 1948 đến 1958. Tác giả đoán trước thời điểm và diễn biến nhiều sự kiện: sự tăng cường viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp ("Năm 1949, chúng tiếp được viện binh bằng máy bay. Quân ta bắn rơi mấy chiếc, xét ra không phải máy bay của Pháp, mà của một nước ngoài…"); thành công của phong trào Bình Dân học vụ ("Thi đua bắt đầu từ tháng 6/1948 đến tháng 6/1953, trong nước ta già trẻ gái trai đều biết đọc biết viết hết, chỉ sót một người"); và đặc biệt là ngày toàn thắng (Thời điểm nhân vật tỉnh dậy và gặp đứa con gái đang học Trường Y vào năm 1958).

Đọc đoạn sau đây ta có cảm giác như là tác giả nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ: "Quân ta yên lặng, để mặc chúng kéo vào các làng. Bất thình lình, một tiếng hiệu lệnh, bốn phía đạn bay. Quân địch bị ta vây kín. Chúng không thể cứu viện được nhau, bị ta tiêu diệt gần hết. Trong lúc hai bên đang kịch chiến ở ngoài thì các đội cảm tử của ta lẻn vào thành từ trước, toán thì đột kích vào các cơ quan của địch, toán thì mò vào phá máy bay, đốt kho dầu. Trận đó là trận cuối cùng". Và "Tin thất bại về đến Pháp, cả nước xôn xao, đòi lập tức giảng hòa với ta".

"Giấc ngủ mười năm" có thể khiến ta liên tưởng đến chuyện Từ Thức, nhưng tôi muốn so sánh nó với "Rip Van Winkle" của văn hào Mỹ Washington Irving. Truyện kể về một anh chàng chất phác, vô công rồi nghề, trốn tránh vợ con vào rừng cùng con chó và khẩu súng săn. Anh ta uống rượu với những người lùn rồi ngủ quên. Khi trở về, anh ta ngạc nhiên trước những đổi thay của cuộc sống. Hóa ra giấc ngủ của anh kéo dài tới... 20 năm. Là một người am tường văn hóa Mỹ và từng sống ở Mỹ, hẳn Hồ Chí Minh có đọc Washington Irving.

Tuy nhiên, "Giấc ngủ mười năm", cũng giống "Con người biết mùi hun khói", có một ý nghĩa tiên tri mà tác phẩm của Washington Irving không có

Ngô Tự Lập
.
.