Câu chuyện ngoại ngữ và chất lượng khoa học

Thứ Hai, 25/07/2016, 08:10
Một vị Tiến sĩ (TS) thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vừa được xét phong học hàm Phó Giáo sư đã vui mừng kể cho tôi là khi xét tuyển vòng 1 ở cấp cơ sở tại một trường đại học thuộc khối nhân văn ở TP Hồ Chí Minh, khi trình bày nội dung các công trình khoa học, phần tiếng Anh ông trình bày lưu loát, trả lời trôi chảy các câu hỏi phản biện. Ra bàn tiệc, vị hiệu trưởng trường đại học cũng là một thành viên trong Hội đồng xét tuyển này đã khen nức nở khả năng tiếng Anh của vị Tiến sĩ kia!


Qua câu chuyện này, có thể thấy được vấn đề chất lượng Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) hiện nay như thế nào. Lâu nay các vị TS đăng ký xét tuyển chức danh PGS, GS phần lớn đều… yếu kém ngoại ngữ. Nếu xét tuyển đúng theo quy định của Nhà nước thì các vị này phải thông thạo tối thiểu một trong 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung), sử dụng tốt tiếng Anh như vị TS kể trên phải là chuyện hiển nhiên, bình thường theo đúng quy chuẩn.

Nhưng có lẽ lâu nay ngồi Hội đồng xét tuyển gặp phải toàn những Tiến sĩ trình độ A, B, C.. về ngoại ngữ nên ông hiệu trưởng nọ có phần ngán ngẩm trong lòng, nay gặp được "hàng hiếm" - một TS có khả năng ngoại ngữ lưu loát - thì cảm thấy phấn khởi quá nên thật lòng khen ngợi. TS yếu kém ngoại ngữ chiếm số lượng không phải số ít.

Để xét tuyển GS, PGS thì ngoại ngữ là một trong những yếu tố bắt buộc (Điều 9, Chương 1, Thông tư số 16/2009/TT-Bộ GDĐT). Đã có quy định bằng văn bản hẳn hoi tại sao nhiều người yếu kém ngoại ngữ vẫn qua được các vòng xét tuyển? Phải chăng là có sự "hữu nghị" trong quá trình xét tuyển. Ai dám chắc là không có tiêu cực?

GS, PGS nghiên cứu khoa học phải trực tiếp tham khảo các tài liệu nước ngoài. Không biết ngoại ngữ nhiều vị chỉ "xào nấu" loanh quanh những đề tài nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt với tài liệu tham khảo là những cuốn sách tiếng Việt đã quá cũ kỹ, quen thuộc. Và mục đích chỉ là để cho có công trình, đề tài hàng năm với mục đích là đạt chỉ tiêu thi đua đã đăng ký ở cơ quan (trường, viện…) để kiếm tiền, thăng thưởng… Nguyên nhân sự dối trá đó xuất phát từ khả năng yếu kém. Ngân sách Nhà nước chi cho các công trình nghiên cứu khoa học vô bổ này không nhỏ.

Việc đào tạo cao học, nghiên cứu sinh hiện nay có phần lỏng lẻo, dễ dãi. Những nghiên cứu sinh hầu hết đều có chứng chỉ ngoại ngữ sau đại học do trường đại học cấp (nếu đúng thực chất thì trình tương đương với người tốt nghiệp bậc Cao đẳng chuyên ngành tiếng ngoại ngữ). Nhiều TS trong các cơ quan nhà nước hiện nay "học giả nhưng bằng thật".

Tôi đã từng chứng kiến một vị PGS sử học giảng bài một chuyên đề cho một lớp cao học, khi nói về nước Nga giai đoạn 1918 - 1920 đã dùng thuật ngữ "chính sách kinh tế chiến tranh thời chiến" làm học viên ngớ người. Đúng ra là "chính sách kinh tế cộng sản thời chiến", một kiến thức sơ đẳng nằm trong chương trình lịch sử lớp 8.

Hầu hết những GS, TS "hữu nghị" này đều bám vào bộ máy nhà nước vì "không biết bơi thì làm sao dám nhảy xuống nước". Bộ máy cơ quan, công sở lâu nay trì trệ vì do có quá nhiều "đại trí thức" loại này. Họ thường cố sống cố chết "giữ nguyên tình trạng cũ" để tồn tại, rất sợ đổi mới vì đổi mới đi liền với việc họ sẽ bị đào thải.

Đã đến lúc nhà nước, ngành giáo dục cần phải có biện pháp khẩn cấp để chấm dứt nạn cho ra lò ồ ạt những "đại trí thức" kém chất lượng như hiện nay. Khâu cần chấn chỉnh đầu tiên đó chính là  trình độ ngoại ngữ. 

Lương Sơn
.
.