Từ vụ khủng bố hàng loạt ở Paris:

Cảnh báo về những ngoại vi buồn

Thứ Năm, 19/11/2015, 13:57
Chưa bao giờ thế giới cảm thấy run rẩy đến thế trước chủ nghĩa khủng bố, khi mà chỉ trong vòng 10 tháng, ở Paris đã xảy ra đến 3 vụ rúng động toàn cầu: vụ xả súng toà soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo; vụ bắt cóc con tin ở một siêu thị sau đó không lâu và cuối cùng là vụ khủng bố hàng loạt ở thủ đô hoa lệ của nước Pháp đêm 13 rạng sáng ngày 14/11. 

Xen kẽ những vụ việc đẫm máu ấy ở Pháp là những vụ rơi máy bay của Nga, cũng được nhận định là sản phẩm của chủ nghĩa khủng bố. Dường như, thế giới đang đi đến điểm tận cùng của nó, như cái cách mà Henry Miller từng viết rằng "chúng ta ngày càng dấn sâu vào lãnh địa của sự ác".

Kể từ thế chiến thứ II, Paris chưa bao giờ xảy ra một vụ thảm sát đến mức độ kinh hoàng như vừa qua và cũng từ dấu mốc thời gian kia, đây là lần hiếm hoi nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Từ vụ khủng bố hàng loạt địa điểm tại Pháp cuối tuần trước, chúng ta cần phải nhìn ra một đặc thù của thế giới hôm nay, một đặc thù là hệ quả của những đứt gãy xã hội không thể cứu vãn nổi, một đặc thù là hệ quả của những mâu thuẫn không thể cứu vãn nổi giữa các giá trị. Chúng ta vẫn có thể yên tâm rằng ở Việt Nam không thể có những vụ khủng bố như thế nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng ở Việt Nam không diễn ra những đứt gãy và mâu thuẫn kiểu đó.

Người dân Pháp bàng hoàng sau các vụ tấn công khủng bố.

Hãy nhìn lại toàn cảnh cuộc khủng bố tại Paris, chúng ta nhận ra rất rõ rằng toàn bộ các điểm khủng bố (trừ Saint Denis, khu vực bao quanh sân vận động Stade de France) đều là những khu sinh hoạt của giới nhà giàu. Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao giữa các địa điểm toàn của giới nhà giàu như thế lại có một điểm được các phần từ khủng bố lựa chọn là Saint Denis, khu nhà nghèo, khu ổ chuột, khu ngoại vi Paris.

Thực ra, lựa chọn đó không hề lạ. Trong đêm diễn ra vụ khủng bố, địa điểm được chọn nổ bom là phía ngoài sân vận động Stade de France, nơi đang diễn ra trận giao hữu Pháp-Đức. Và đêm đó, sân vận động đó là nơi hội tụ của những người có tiền. Người nghèo không thể mua một tấm vé vào sân cho một trận đấu hạng sang như vậy và hai tiếng bom đó là một cảnh báo đầy trấn áp của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dưới tấm áo của những kẻ thất nghiệp, không trình độ, nghèo đói và mang mặc cảm bị gạt ra ngoài rìa của xã hội.

Những đô thị phồn hoa trên thế giới hôm nay ngày một trở thành tương phản lớn đối với các vùng ngoại vi của chúng. Ngoại vi không có ánh sáng của chủ nghĩa xa hoa, ngoại vi chỉ có nhà ổ chuột, những thanh niên ít học, không tiền, buồn nản, ẩn ức và dung dưỡng một tinh thần phản kháng lại xã hội rất mạnh mẽ. Chính tại một khu ngoại vi như thế, khu Clichy sous Bois, mười năm trước thôi, một vụ bạo loạn đã xảy ra và nước Pháp cũng phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì nó.

Theo một điều tra gần đây, và bí mật (vì nó không phù hợp hiến pháp nước Pháp), kết quả cho thấy ở các khu ngoại vi ấy, tỷ lệ người nhập cư, người da màu, người Arab, tín đồ Hồi giáo rất đông mà điển hình là Saint Denis, với tỷ lệ lên tới khoảng 80%. Cũng theo điều tra đó, giới nghiên cứu xã hội học Pháp nhận thấy rằng nhà cửa, điều kiện cơ sở hạ tầng đã khang trang hơn nhưng cư dân của ngoại vi thì lại nghèo đi hơn, và bất mãn hơn, thái độ cực đoan và thù địch hơn.

Hoá ra, ngoại vi địa lý chỉ là một thứ ngoại vi trên bản đồ mà thôi. Cái đáng sợ hơn cả là những người bị rơi vào trạng thái "ngoại vi xã hội", tức là họ tồn tại như những kẻ ngoài lề của cả một xã hội tiêu thụ mạnh mẽ, hưởng thụ sung túc. Và họ dễ dàng sa ngã vào chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nơi những kẻ đầu trò có thể cho họ tiền, hoặc đánh đổi bằng cái chết. Nước Pháp được ghi nhận là nước có số thanh niên tham gia lực lượng IS nhiều nhất trong các nước EU. Và đó là hậu quả của những đứt gãy xã hội đã biến một lực lượng rất đông trở thành những kẻ "ngoại vi xã hội".

Trở lại với Việt Nam, sau mỗi mùa Hè, chúng ta đón hàng chục ngàn lượt tân sinh viên đổ về các đô thị lớn. Họ mang ước mơ đổi đời, và tốt nghiệp đại học, đa số họ bám trụ lại các đô thị ấy chứ không trở lại quê hương mình lập nghiệp. Đơn giản, không ai muốn xa quê cả nhưng ở quê nhà không có cơ hội, trở về quê nhà, rồi một ngày họ lại trở thành một dạng "ngoại vi xã hội" mà thôi.

Sự khác biệt giữa nông thôn với thành thị thực ra không chỉ là vấn đề nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, bữa ăn ngon, hưởng thụ cao cấp hơn mà phức tạp hơn thế. Sự khác biệt lớn nhất là môi trường văn hóa, là cơ hội. Nông thôn nghèo nàn hơn đô thị cả ngàn lần ở môi trường văn hóa và cơ hội cho mỗi người, sự nghèo nàn không thể được đắp đổi bằng những công trình cơ sở vật chất hạ tầng đồ sộ. Và sống trong mặc cảm nghèo nàn đó, phản ứng lại với xã hội, phản ứng lại với bất bình đẳng sẽ là tâm lý rất chung của con người, những người luôn mặc cảm rằng mình bị gạt ra ngoài rìa, là những kẻ ngoại vi.

Tự do-Bình đẳng-Bác ái, đó là chủ thuyết nhân văn của nước Pháp nhưng cũng chính từ chủ thuyết ấy, những chống đối của ngoại vi xã hội đã hình thành. Đơn giản, những người mang mặc cảm ngoại vi xã hội sẽ tự đòi hỏi "Bình đẳng và Bác ái ở đâu, khi các vị ngồi trong một nhà hàng năm sao, còn tôi phải ăn trong những ống lon sắp quá hạn và bị nhìn nhận như gánh nặng của cộng đồng?".

Còn chúng ta, chúng ta đặt tiêu chí Tự do và Hạnh phúc lên hàng đầu, nhưng liệu chúng ta có nhận ra rằng ở anhiều vùng miền, người dân vẫn chưa thực sự hạnh phúc? Cũng còn may mắn là họ chưa đến mức mang trong mình mặc cảm ngoại vi xã hội và chính từ cảnh tỉnh của một thế giới hỗn độn này, chúng ta không thể để tồn tại những ngoại vi như thế như một mặc nhiên mà không có bất kỳ hướng giải quyết nào. Người dân Pháp bàng hoàng sau các vụ tấn công khủng bố. 

Hà Quang Minh
.
.