Cần xác định đúng khoảng cách tâm lý

Thứ Sáu, 31/03/2017, 07:35
Cái gì giúp một nghệ sĩ, người sáng tạo biến cảm xúc riêng của họ trước con người, sự vật, hiện tượng, thời cuộc… thành cảm hứng để lựa chọn cách thức sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật? Cái gì giúp người thưởng lãm nhận ra chính mình trong tác phẩm, hoặc nhận ra câu chuyện đơn lẻ trong tác phẩm chính là xã hội, là cuộc đời chung, là cõi nhân sinh để mà rung động, mà cảm thấy được chia sẻ, mà thổn thức yêu mến hoặc căm giận? 

Trong mỹ học, nó được gọi bằng một thuật ngữ: khoảng cách tâm lý - một khái niệm khá trừu tượng. Chung quy, khoảng cách tâm lý chính là khoảng cách vừa hình thành nên, vừa là cầu nối tri thức và cảm xúc giữa tác giả - tác phẩm - người thưởng lãm.

Nắm bắt, điều chỉnh tốt khoảng cách tâm lý, đó là tài năng của người nghệ sĩ, được đo lường bằng chính sự tồn tại tác phẩm. Kéo khoảng cách tâm lý lại quá gần mục đích thực dụng, người sáng tạo chỉ có thể cho ra một sản phẩm nghèo cảm xúc, một tác phẩm minh họa thừa tính kể lể, tự sự, minh họa… mà vắng chất lay động truyền cảm, trữ tình. Đẩy khoảng cách tâm lý đi quá xa, tác phẩm sẽ trở nên viển vông, xa rời thực tế, tự nhiên hoặc hư vô chủ nghĩa. Tác phẩm văn nghệ sẽ trở nên cao siêu, rối rắm, khó hiểu, xa lạ, khó có thể tạo nên sức lan tỏa, vì công chúng không thể nắm bắt được. Đó là một tác phẩm  tồi, tất nhiên, nó tự sẽ chết yểu.

Khoảng cách tâm lý chừng mực, đúng đắn, hợp lý mới có thể giúp người thưởng lãm nắm bắt, nhận chân được giá trị nghệ thuật của tác phẩm, khóc, cười thật sự với nó. Nhờ đó, người ta hiểu chính tác phẩm và tác giả sâu sắc hơn, những cảm xúc tương đồng và mới mẻ khác sẽ dâng lên trong chính con người công chúng. Nó giúp kích thích nối dài sự sáng tạo, làm phong phú thêm nền nghệ thuật - văn hóa.

Bi kịch của sự chia rẽ văn hóa, tình cảm xã hội có nguy cơ xảy ra khi xác định không đúng đắn, không minh bạch khoảng cách tâm lý. Đã đành, công chúng văn nghệ thiên hình vạn trạng thì khen chê hay ủng hộ là lẽ thường tình.

Nhưng, bi kịch nói trên thường xảy ra khi con người quản lý văn hóa - văn nghệ hiểu sai, do thiên kiến hoặc do non nớt về tri thức, tự đặt ra khoảng cách tâm lý tiếp nhận sai. Những quyết sách, quyết định được đưa ra trong trường hợp đó đều dẫn đến khủng hoảng hoặc bi kịch.

Không ai có thể phủ nhận việc không thể tách rời văn nghệ khỏi chính trị và thời cuộc. Tuy nhiên, giá trị nghệ thuật đích thực thì lại vượt lên trên những yêu cầu của chính trị và thời cuộc, vượt ngoài giới hạn địa chính trị của quốc gia và khuynh hướng xã hội. Chỉ như thế, tác phẩm văn nghệ mới chạm đến tầm mức nhân loại, mới đạt  đến giá trị đích thực của giá trị nhân văn văn hóa.

Yêu quê hương đất nước, chống ngoại xâm, phản chiến, đề cao giá trị và thân phận con người thì không phân biệt màu da hay lý lịch. Tất cả là giá trị chung trong thiên tính của chữ Con Người.

Các nhà quản lý lẫn công chúng văn nghệ đều cần nắm vững, rõ, công tâm, minh bạch khái niệm lý luận khoảng cách tâm lý. Con dao mổ, khẩu súng hay cái cuốc, cái cày đều chỉ hữu ích khi người cầm nó trong tay biết rõ mình đang cầm nắm cái gì, sử dụng nó vào việc gì trong mục tiêu làm đẹp và xây dựng cho cuộc đời, con người và xa hơn nữa là xã hội và đất nước. 

Nguyễn Đức Vinh
.
.