Cần lắm những sự mạch lạc

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:41
Khi ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang lên tiếng xin lỗi gia đình nhạc sỹ Thuận Yến về việc gây hiểu lầm đối với ca khúc "Màu hoa đỏ" trong công văn mà ông đã ký và gửi xuống các phòng văn hoá huyện, xã toàn tỉnh, chúng ta có thể nhận thấy đó là một thái độ dám chịu trách nhiệm với việc mình đã làm. 


Tất nhiên, sẽ có người cho rằng ông Đảm chỉ làm vậy vì "sợ", nhất là khi ông bị yêu cầu giải trình từ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Song, suy luận kiểu ấy rất "thuyết âm mưu" và chúng ta nên tự nhắc nhủ nhau rằng "tại sao lúc nào cũng sống với lắm âm mưu đến thế".

Câu chuyện của Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Tiền Giang không phải là chuyện quá lớn, và công văn của Sở cũng không hoàn toàn sai nhưng nó để lại hệ lụy nhức nhối về một vấn nạn xã hội hôm nay.

Thực chất, công văn ông Nguyễn Đức Đảm phát hành ra chỉ giới hạn ở khu vực kinh doanh karaoke, với 354 đầu mục bản ghi hình karaoke chưa được cấp phép. Điển hình là bài "Màu hoa đỏ", nó là một bản karaoke hát về người bộ đội hi sinh quên mình ở chiến trường, nhưng hình ảnh minh hoạ thì hoàn toàn ngược lại, và theo như công văn giải trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang thì hình ảnh sử dụng lại là người lính chế độ cũ.

Bản ghi hình ấy không được duyệt là đúng. Bản ghi hình ấy bị cấm lưu hành và sử dụng tại phòng karaoke là đúng. Và công văn của Sở cũng không nói là "cấm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang lưu hành ca khúc "Màu hoa đỏ".

Chúng ta cần phải nhớ rằng, một tác phẩm được lưu hành qua nhiều hình thức, từ biểu diễn, in băng đĩa, truyền hình, nội dung số, karaoke… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang không hề cấm lưu hành "Màu hoa đỏ" ở các hình thức khác mà đơn giản họ chỉ cấm lưu hành một bản ghi của "Màu hoa đỏ" ở định dạng karaoke mà thôi.

Cái lỗi của ông Đảm chính là việc thiếu mạch lạc trong công văn. Nếu thay vì dùng cụm từ "bài hát "Màu hoa đỏ"", ông dùng từ "bản ghi hình karaoke "Màu hoa đỏ" do đơn vị ABC nào đó sản xuất" thì chuẩn xác hơn và không gây sóng gió cho chính ông.

Nhưng cái đáng buồn nhất là sự "diễn dịch" của báo chí. Chính các tờ báo đã tạo ra câu chuyện thị phi, xé ra to khi giật tít "Cấm bài hát "Màu hoa đỏ"". Sự thiếu mạch lạc của ông Đảm mắc lỗi 1 thì sự thiếu mạch lạc và công tâm của báo chí lại mắc lỗi 10. Họ làm dấy lên một sự kiện không có thật, và khiến lòng tin vào các cơ quan quản lý nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bây giờ, khi ông Đảm đã can đảm xin lỗi và nhận lỗi, những tay bút ác ý, những chủ bút vô tình của các trang báo mạng có dám nhận lỗi của mình hay không? Họ đã diễn dịch xuyên tạc và thiếu mạch lạc một công văn chỉ khoanh vùng ở lĩnh vực karaoke thành một công văn "Cấm lưu hành" một ca khúc.

Sự sai lệch nguy hiểm ấy mới vừa diễn ra với "Con đường xưa em đi", khi Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ "tạm dừng lưu hành vì cần xác định lại bản quyền và quyền tác giả" nhưng báo chí tạo thành sự kiện đầy "thuyết âm mưu" rằng bài hát ấy bị "Cấm" và tạo ra thêm những phản ứng bức xúc trong công chúng, đồng thời tạo điều kiện cho những thành phần phá hoại bôi xấu hình ảnh của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Văn Đoàn
.
.