Căn bệnh tỳ hưu

Thứ Năm, 05/03/2015, 08:01
Trong lịch sử các triều đại từ cổ chí kim có lẽ không một quan tham nào vượt được Hòa Thân, đại Tổng quản cung đình nhà Thanh, thời vua Càn Long trị vì. Câu nói nổi tiếng của ông ta: "Cái gì Hoàng đế có Hòa Thân cũng có, cái gì Hoàng đế không có Hòa Thân cũng có", thể hiện sự giàu có đến tuyệt đỉnh của viên quan này. Người ta tính tổng tài sản của Hòa Thân bị tịch thu sau khi thất sủng bằng 15 năm ngân khố quốc gia. Vì sao Hòa Thân giầu có đến như vậy? Có hai điều bí ẩn về cuộc đời của đệ nhất quan tham đã được giải mã.

Hòa Thân và câu chuyện đầu thai

Hòa Thân người gốc Mãn Châu, sinh năm 1746. Thuở nhỏ nhà rất nghèo, Hòa Thân được đưa vào cung làm chân thị vệ và khênh kiệu. Sự thăng tiến của ông ta bắt nguồn từ một câu chuyện mang tính cơ duyên tiền kiếp đầy bí ẩn.

Chuyện rằng vua Ung Chính nhà Thanh có một phi tần tên là Năm Hương vô cùng xinh đẹp. Một lần Hoàng thái tử Hoằng Lịch vào cung trông thấy nàng phi ấy đang chải tóc liền lén đến sau lưng bịt mắt nàng với ý trêu đùa. Không biết đó là Hoàng tử Hoằng Lịch, nàng phi liền vung lược về phía sau khiến trán Hoàng thái tử bị bầm tím.  

Hoàng hậu thấy thế liền tra hỏi, Hoằng Lịch đành nói thật do nàng phi Năm Hương đánh phải. Hoàng hậu nổi giận buộc nàng phi kia phải tự vẫn. Hoằng Lịch muốn nhận lỗi về mình, nhưng nấn ná mãi không dám nói, đến khi nghe tin nàng phi đã treo cổ thì rất ân hận. Hoằng Lịch chạy đến khi người ta vừa hạ cái xác của nàng phi xấu số xuống, thái tử liền chấm ngón tay vào hộp son và bôi vào cổ nàng ấy mà khấn rằng: Ta đã làm hại nàng rồi. Hồn nàng có thiêng thì chúng ta sau này gặp gỡ.

Mấy năm sau Hoằng Lịch lên nối ngôi trở thành vua Càn Long nổi tiếng của triều đình nhà Thanh. Ông ta ở ngôi tới 60 năm và làm Thái Thượng hoàng thêm 4 năm mới băng hà vào tuổi 89.

Vua Càn Long trong một lần dạo chơi trong vườn Minh Viên bỗng nhìn thấy một thị vệ trẻ có nét gì đó quen quen, tướng mạo thanh thoát, môi hồng da trắng, khiến vua nghĩ mãi mà không nhớ đã gặp ở đâu. Vua hỏi, thị vệ quỳ tâu: Nô tài tên là Hòa Thân, gốc Mãn Châu, hiện làm sai dịch trong cung.

Sau buổi dạo chơi đó, hình ảnh Hòa Thân cứ luẩn quẩn trong đầu óc vua. Chợt Càn Long nhớ tới nàng Năm Hương xưa vì mình mà chết oan có nét quen quen nơi Hòa Thân. Vua cho triệu tên thị vệ vào cung. Hòa Thân quỳ mọp lo sợ, Càn Long hỏi ra thì biết Hòa Thân sinh ra đúng năm nàng phi kia mất, nâng mặt Hòa Thân lên và nhận ra vết son trên cổ.

Chân dung Hòa Thân theo tài liệu lịch sử ghi chép lại.

Vốn là người rất sùng đạo Phật, Càn Long tin vào kiếp luân hồi và đinh ninh rằng Hòa Thân chính là nàng phi Năm Hương đầu thai trở lại để gặp lại ông như lời khấn năm xưa. Khi được biết Hòa Thân tuy xuất thân hèn mọn nhưng là người thông minh, ham học, biết tới 4 thứ tiếng: Mãn, Hán, Mông, Tạng nên vua Càn Long đã cất nhắc Hòa Thân từ chân sai dịch lên chức Tổng quản trong cung. Nhờ sự sủng ái hết mực của vua Càn Long, lại có tham vọng lớn nên Hòa Thân đã tạo cho mình có một vị thế tột đỉnh chỉ trong một thời gian ngắn. Ngồi ở vị thế dưới một người trên muôn người, Hòa Thân đã có cơ hội vơ vét về cho mình một khối tài sản khổng lồ khiến ai cũng phải giật mình.

24 năm làm quan dưới thời Càn Long, Hòa Thân đã được phong chức tới 47 lần, giữ 6 chức vụ trọng yếu trong triều đình. Vua Càn Long còn đem con gái thứ 10 là công chúa Hòa Hiếu gả cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức. "Sở Văn lục" đời sau viết: "Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở".

Câu chuyện con "tỳ hưu" và kho đụn của Hòa Thân

Người viết bài này năm trước có chuyến đi thực tế về làng đá cảnh Non Nước bên cạnh Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Hỏi thăm biết ngoài các sản phẩm truyền thống, tượng con tỳ hưu vốn được du nhập từ Trung Hoa giờ đây được rất nhiều người tìm mua hoặc đặt chế tác. Trên những chuyến xe du lịch, hướng dẫn viên cũng thường xuyên giới thiệu về con tỳ hưu. Nó được thuyết phục rằng sẽ đem lại may mắn cho những ai mua và thờ tỳ hưu trong nhà như sự giàu có của Hòa Thân.

Tôi đề nghị chủ nhà giới thiệu kỹ về đặc điểm của con tỳ hưu là gì mà thiên hạ ngày càng đua nhau đi mua về cầu lộc cầu tài, nhất là những người có của ăn của để. Thì ra đó là một con vật tưởng tượng mang dáng con kỳ lân. Đầu có sừng, mông cong, râu dài. Điểm đặc biệt nhất của tỳ hưu là không có hậu môn và thức ăn nuôi nó chỉ là tiền và vàng, bạc.

Tích cũ Trung Hoa kể rằng vào đời vua Minh Thái Tổ, khi lập nghiệp thì ngân quỹ trống rỗng, vua rất lo lắng. Một đêm vua nằm mộng thấy con vật giống kỳ lân có sừng hiện lên. Nó ngồi trước cung điện ăn liên tục các thỏi vàng và sau đó vào cung. Tỉnh dậy vua cho gọi các thày tướng số đến hỏi thì biết nơi con vật kia ngồi là đất linh, có cung tài, lộc. Vậy là trời phù hộ vua lập nghiệp. Vua liền ra lệnh xây một công trình ngay trên đất ấy. Con vật chỉ ăn vàng, bạc kia chính là con tỳ hưu. Nó ăn mà không thải ra bao giờ cho nên nếu đặt nó ở cung tài trong nhà thì của cải chỉ có chảy vào mà không mất đi.

Sau khi lên thay nhà Minh, triều đình Mãn Thanh vẫn rất tin vào sự mầu nhiệm của con tỳ hưu. Hàng loạt tỳ hưu được tạo tác bằng ngọc, đá quý đặt ở trong cung, nhưng vua cấm các quan lại và dân chúng được đặt tỳ hưu trong nhà mình với lý do không ai được giàu hơn vua. Vậy mà lại có một kẻ dám làm trái lệnh vua, đó là Hòa Thân.

Một gian trong Công vương phủ - dinh thự của Hòa Thân ở Bắc Kinh.

Hòa Thân xây cho mình một cung thất gọi là Cung vương phủ gồm phủ đệ và hoa viên với diện tích rộng 60 nghìn mét vuông. Phủ đệ 32.000 mét và hoa viên 28.000 mét (ngày nay nó là địa chỉ du lịch được bảo vệ đặc biệt của Trung Quốc). Bên trong cổng chính, Hòa Thân cho đắp hai ngọn giả sơn rất lớn. Trong lòng mỗi ngọn giả sơn ấy, ông ta đặt một vật trấn trạch. Đó là một con tỳ hưu lớn tạc bằng ngọc Phỉ thúy xanh rất quý hiếm. Trong khi đó chính vua Càn Long cũng chỉ có con tỳ hưu nhỏ hơn và bằng bạch ngọc.

Vật trấn trạch thứ hai là chữ Phúc do chính Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ, không biết vì sao lại lọt vào tay Hòa Thân. Chữ Phúc ấy được Hòa Thân cho tạc vào một khối đá quý. Vậy là việc trấn trạch những bảo vật hoành tráng và quý hiếm hơn cả của vua Càn Long khiến cho tiền bạc thi nhau chảy về nhà Hòa Thân. Thói tham nhũng, hà lạm công quỹ của Hòa Thân, vị quan đầu triều nhà Thanh khiến cho nạn tham nhũng trong cung đình và cả ngoài xã hội tràn lan như một đại dịch không dập tắt được.

Năm 1799, Càn Long qua đời. Ngay hôm sau Hòa Thân bị vua Gia Khánh cách tuột mọi chức vụ, bắt giam chờ hạch tội. Các đại thần trong triều dâng biểu quy Hòa Thân phạm tới 20 tội nặng. Kiểm kê tài sản của Hòa Thân, cả vua Gia Khánh và các quan đều tá hỏa. Chỉ trong hơn 20 năm làm quan, Hòa Thân đã tích cóp được cho mình một tài sản gấp 15 năm tổng ngân khố nhà Thanh gồm: 32 km2 đất đai cùng rất nhiều dinh thự, 75 tiệm cầm đồ, 600 cân nhân sâm thượng hạng, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai loại cực hiếm, hơn 16.000 xấp lụa, len quý, hơn 57.000 tấm da báo, gấu và da cừu loại tốt, 24 chiếc giường bằng vàng, gần 500.000 bình lọ quý bằng đồng, bạc, gốm, sứ…, 460 đồng hồ hàng hiệu của châu Âu cùng một lượng tiền mặt và tài sản khác với tổng trị giá lên đến 1.100 triệu lạng bạc.

Trong khi ngân khố nhà Thanh mỗi năm chỉ có khoảng 70 triệu lạng. Riêng tì thiếp trong cung Hòa Thân đã lên tới 600 người, gia nhân thì không tính hết.

Hòa Thân bị ghép vào tội phải lăng trì, chu di ba họ. Nhưng rồi chỉ mình ông ta phải tội chết bằng cách tự vẫn, cả nhà được tha. Đây cũng là chuyện lạ với những tội danh tày đình như thế. Người ta kể đó là lý do gắn với những báu vật bí ẩn trong cung của Hòa Thân. Khi phá dỡ hai hòn giả sơn, triều đình phát hiện và tịch thu con tỳ hưu bằng ngọc Phỉ thúy xanh, nhưng chữ Phúc là bút tích của chính vua Càn Long thì được tạc vào khối đá lớn. Nếu phá khối đá thì chữ Phúc cũng tan, vả lại là bút tích của vua Càn Long nên không ai dám động vào. Đó là điềm báo khiến vua Gia Khánh đã tha chết cho cả nhà Hòa Thân.

Nghĩ cho cùng Hòa Thân không khác gì thân phận của con tỳ hưu ăn quá nhiều tiền, vàng…mà lại không có hậu môn để thải ra, khiến lâu ngày tích tụ thành họa. Một đại họa mà tất cả những kẻ ăn tham, ăn bẩn sẽ gặp phải không sớm thì muộn. Ngày nay hàng loạt "hậu duệ" của Hòa Thân như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai…đang bị sờ gáy cũng vì bước vào lốt chân Hòa Thân mà thân bại danh liệt. Bài học về đại quan tham Hòa Thân đời nào cũng đáng để suy ngẫm vậy.

Nguyễn Trọng Tân - Xuân 2015
.
.