"Cảm tạ cuộc đời" trên giường bệnh

Thứ Ba, 30/06/2015, 08:00
Đọc "Cảm tạ cuộc đời" , thơ Hoàng Cát, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015.

Năm 2009, khi sắp bước vào ngưỡng tuổi bảy mươi, nhà thơ Hoàng Cát đã cho ra mắt bạn đọc "Tuyển tập Thơ Hoàng Cát". Ông tâm niệm, đây sẽ là tập thơ cuối cùng trong đời. Bẵng đi một thời gian dài không thấy xuất hiện thì bất ngờ, cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2015, Hoàng Cát lại có thêm một tập thơ mới, ấn hành tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn với cái tên "Cảm tạ cuộc đời".

Căn cứ vào thời điểm sáng tác ghi lại thì tất cả những bài trong tập thơ mới này đã được Hoàng Cát viết ra từ năm 2009 đến tận những ngày gần đây. Nghĩa là sau khi đã ra tuyển tập, dù không thường xuyên nhưng ông vẫn tiếp tục làm thơ. Nhưng cũng qua địa chỉ và thời điểm ghi cuối mỗi bài lại giúp người đọc được thấy hầu hết những bài thơ in trong tập thơ mới này của ông đều được viết từ cuối năm 2012 sang đầu năm 2013, ấy là quãng thời gian ông được các bác sĩ xác định  bị ung thư, phải vào nằm Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều tháng để chữa trị. Có thể nói, đó cũng là thời điểm được coi là đen tối nhất của nhà thơ.

Trong tập thơ: "Cảm tạ cuộc đời", ngoại trừ một số bài tác giả viết cho vợ con, cho các cháu ngoại, cho gia đình, bạn bè… từ trước và sau khi ở bệnh viện về thì có thể nói, gần như tất cả những bài thơ được chọn in trong tập đều được ông viết trong Bệnh viện Bạch Mai. Nghĩ sẽ khó qua khỏi, Hoàng Cát đã cho đây là những ngày cuối cùng trong cuộc đời nên ông đã bộc bạch lòng mình về tất cả những cái được, cái mất trong đời; niềm thương nhớ, tiếc nuối với những người thân; những ấn tượng còn lại về sự tử tế, tốt đẹp của con người v.v... tất cả đều đã được ông tâm sự qua những bài thơ in trong "Cảm tạ cuộc đời" của mình.

Nhà thơ Hoàng Cát.

Năm 2006, Hoàng Cát có tập thơ nhan đề "Cám ơn vỉa hè", trong đó là những suy nghĩ, tình cảm… và hơn hết là lòng biết ơn của mình khi trước đó bị vướng vào câu chuyện văn chương rất không đâu, khiến không chỉ bản thân mà hệ luỵ kéo theo cả gia đình nên một thời gian dài đã phải lấy vỉa hè làm nơi mưu sinh trong những ngày khốn khó:

Ta cám ơn cái vỉa hè bụi bặm
Đã nuôi ta những năm tháng cơ hàn
Ta cám ơn những tháng ngày mưa nắng
Cho ta hiểu đời trong đục, buồn thương…

Hoàng Cát là một con người trọng nghĩa trọng tình, ông không vô tâm cả với những thứ vô tri, vô giác, ví như cái vỉa hè. Nhưng tất nhiên không chỉ nói về vỉa hè mà nói ra là để ông hiểu đời hơn, hiểu người hơn, thấy được cái buồn vui, cái trong, đục của con người mà chỉ trong hoàn cảnh nghiệt ngã mới phô bày.

Ung thư là căn bệnh nan y. Ai mắc phải hẳn không thể không lo lắng, thậm chí buồn nản. Và Hoàng Cát có lúc cũng không ngoại lệ. Dù có thể nói rằng, là người luôn sống lạc quan, nhưng trước căn bệnh hiểm nghèo, ở tập thơ "Cảm tạ cuộc đời" ông tự nhận:

Xin đừng cười ta hèn, sợ chết
Chỉ đơn giản: quá buồn

                   (Lần thứ ba)

Rằng không buồn - thì quá ư giả dối
Dẫu buồn thấu xương- ta cũng chỉ yêu thôi.
Không oán thán ai, chả bợn lòng vị kỉ;
Chỉ mong trời bừng sáng thật mau…

                  (Đêm bệnh viện)

Thậm chí ông đã có lời chia tay bè bạn:
Xin cho tôi được tạ từ bè bạn
Đứng ngoài khen chê, vinh nhục cõi trần
Tôi là cát, trời sinh nơi bờ biển
Dù nắng mưa, bão tố - vẫn sạch bong

               (Tạ từ)

Thường cận kề với cái chết con người dễ buồn nản hoặc than vãn hoặc buông mặc. Vậy nhưng Hoàng Cát thì lại khác. Không than vãn, không thụ động nằm chờ… mà ngược lại. Đang trên giường bệnh để truyền hoá chất chữa trị ung thư, chỉ đọc một tin nhắn của người quen cũng làm ông như thấy:

Căn phòng bệnh nhân bỗng ấm áp bao nhiêu
Anh quên hết bệnh hiểm nghèo đe doạ
Lại muốn ngân lên những lời thơ mới lạ
Gửi tới dấu yêu những tháng năm xa…

                  (Điểm tựa tâm hồn)

Là thương binh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, không thể lao động chân tay như một người bình thường nên ông lấy thơ ca làm lao động, làm nguồn vui, làm lẽ sống, nơi giãi bày lòng mình trước cuộc đời:

Ta đã sống cả một đời khó nhọc
Cõi vĩnh hằng- ấy là chốn rong chơi

              (Cõi vĩnh hằng)

Tất nhiên đấy chỉ là một cách nói. Sự thật ai chẳng muốn sống, thậm chí ham sống, như khi ông viết:

Còn được sống-
Là ta còn mãnh liệt
Mãnh liệt yêu
Mơ mộng…
Ngập tâm hồn !

      (Điểm tựa tâm hồn)

Nhưng trước sau gì thì bản chất của ông vẫn là một con người rất lạc quan. Đang khi nằm xạ trị trên giường bệnh nhưng bất chợt nhìn thấy đàn sẻ nâu ríu rít trong sân vườn bệnh viện thì Hoàng Cát vẫn thật hồn nhiên, vô tư để có thể: "Nói chuyện với bầy chim sẻ nâu trong vườn bệnh viện":

Sao chúng mày sướng thế, sẻ nâu ơi
Trời vừa hửng sau cả tuần rét buốt
Chúng mày đã ríu ran dàn nhạc
Nhạc mừng trời hửng nắng để mây bay

Và cũng do có nhiều ngày nằm trong bệnh viện nên Hoàng Cát mới có dịp tận mắt thấy được những người thầy thuốc mà trước đó ông ít nhận biết. Ông luôn nghĩ, người bác sĩ như đã quá quen thuộc với cái chết của những bệnh nhân nên thường vô cảm. Nhưng ông đã nhầm khi chính mắt ông nhìn thấy một việc thật, một người thật, đó là nữ bác sĩ M - nên không thể không xúc động viết ra: 

Nàng đứng đó, không phải bên hè phố
Không phải công viên - Vườn bệnh viện im lìm
Nàng đẹp thiên thần, nàng là bác sĩ
Khóc một bệnh nhân vừa xấu số - ngừng tim
Người bệnh ấy do nàng điều trị
Bệnh quá trầm kha
Nàng bất lực bó tay

Chỉ là một hành động nhỏ của người bác sĩ nhưng nó đã nói lên được nhiều điều và để rồi ông cảm nhận về lòng tử tế của con người:

Ta giữ lại, nuôi tim mình ấm áp
Bức chân dung bất chợt trời cho
Thượng đế đã sinh nàng thật đẹp
Một tâm hồn thầy thuốc ngát hoa

         (Bức chân dung)

133 bài thơ trong tập "Cảm tạ cuộc đời" của Hoàng Cát là 133 tâm sự, tình cảm, triết lí và quan niệm về cái sống và cái chết của tác giả dành cho cuộc đời.

Nhà thơ Vương Trọng nhận xét sau khi đọc "Cảm tạ cuộc đời" của Hoàng Cát: "Thơ ông là lời nói trực diện để thể hiện tấm lòng mình. Sự chân thành của tình cảm trong lòng nhà thơ làm người đọc rưng rưng cảm động theo từng câu, từng bài... Hoàng Cát "Cảm tạ cuộc đời", còn bạn đọc thương ông, mong ông vượt qua trọng bệnh để còn lại với trần gian này để viết tiếp những nỗi niềm vui buồn, ấm lạnh - hầu như vẫn luôn luôn tuôn trào trong tâm hồn nhà thơ...”.

Huy Thắng
.
.