Cảm hứng đô thị và sự đắn đo thân phận

Thứ Ba, 21/06/2011, 10:39
Như sự tương tác tất yếu với một đời sống kinh tế phát triển nhanh chóng, diện mạo văn học Tp HCM cũng liên tục vận động và liên tục bồi đắp. Minh chứng rõ nhất cho quá trình nảy nở phong phú của văn học Tp HCM chính là sự xuất hiện tiếp nối một lực lượng viết trẻ hùng hậu...

Hiện tại, vẫn chưa có một thước đo nào hữu hiệu để tính toán xem khoảng bao nhiêu thời gian thì đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam này lại có một lớp tác giả mới, nhưng chỉ cần so sánh Hội nghị Những người viết văn trẻ lần trước với Hội nghị Những người viết văn trẻ lần sau, đã thực sự thấy nhiều tín hiệu đáng mừng!

Nhìn một cách tổng thể, không có địa phương nào qui tụ nhiều cây bút trẻ bằng Tp HCM. Lý do không khó hiểu. Dấu hiệu ưu việt của một mảnh đất thịnh vượng chính là dòng người nhập cư, và dòng người nhập cư ấy không chỉ mang đến khát vọng mưu sinh mà còn mang đến tài năng lẫn tâm tư của họ để làm nên vẻ đẹp văn chương cho Tp HCM. Vì vậy, khi nói về văn học Tp HCM không thể không lưu ý hai yếu tố: sức bật tuổi trẻ và cảm hứng đô thị!

Chỉ cần ngoảnh lại thập niên đầu tiên vừa trôi qua ở thế kỷ XXI, những cây bút trẻ Tp HCM được biết đến trên cả nước có thể liệt kê thành một danh sách thỏa mãn những ai lấy sự sung túc của số lượng làm cơ sở cho sự lạc quan tuyệt đối. Xin lấy thiện chí và cẩn trọng, để thấy rằng, văn học của thế hệ 7X, 8X đa dạng mà ít thành tựu, đông mà chưa mạnh. Chúng ta từng hào hứng chào đón Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Triều Hải… rồi hụt hẫng chứng kiến họ lùi dần vào mệt mỏi và chán chường. Các cây bút kế cận vừa viết lách vừa lau mồ hôi cơ cực đời thường. Chỉ cần cất đi thái độ ngụy biện, chúng ta dễ dàng hình dung được một bức tranh đầy nghịch lý: Những cây bút có sẵn trong tay mối quan hệ truyền thông đang kéo bè kết cánh ríu rít ca ngợi nhau bằng những ngôn từ véo von nhất, cũng chính là những kẻ láu lỉnh nhất sẵn sàng tháo chạy khỏi văn chương để giữ lấy nồi canh niêu cơm riêng mình. Còn những cây bút thầm lặng hơn, vẫn nhẫn nại viết nhưng lòng bắt đầu hoang mang khi chứng kiến văn chương mỗi ngày mỗi ít ảnh hưởng đối với cộng đồng.

Vì sao sức bật tuổi trẻ và cảm hứng đô thị chưa mang đến những tác phẩm có tiếng vang dư luận? Câu trả lời rất đơn giản: chung cái nền văn học Việt Nam đang khủng hoảng thi pháp, văn chương trẻ dựa trên tiền đề tiếp nhận khá mơ hồ. Thời đại đã khác, bây giờ vui buồn của công chúng muôn vẻ ngàn dáng, người viết phải chọn được đối tượng phản ánh và đối tượng độc giả. Giai đoạn cả nước đánh giặc, chỉ cần một câu thơ đón đầu tổng kết "Em ơi, hai trăm máy bay rơi" cũng khiến triệu trái tim xúc động. Hiện tại, những bài thơ tương tư đưa đẩy, những truyện ngắn ngọt lạt than trách, những tiểu thuyết xưng tụng cô đơn… chỉ đủ giúp những cô nhân viên văn phòng bớt ngáp vặt lúc nhàn rỗi công việc hành chính. Khi và chỉ khi, tiền đề tiếp nhận mạch lạc mới tạo ra phong cách tác giả và thiết lập giá trị hành động của văn chương. Ngược lại, nếu văn chương tạm ngừng ở chức năng giải trí thì mỗi tác phẩm được in ra, chúng ta chỉ trả được món nợ cho đam mê cầm bút bản thân mà không thể nào trả được món nợ cho xứ sở đã cưu mang người cầm bút!

Ngoài thể loại truyện ngắn được báo chí chấp nhận và càng ngày càng mềm mại hóa theo phẩm chất báo chí, để đánh giá cụ thể thực trạng văn chương vẫn phải dựa vào thơ và tiểu thuyết. Bởi lẽ thơ thể hiện chiều sâu, còn tiểu thuyết thể hiện chiều cao của một không gian văn học. Dù được sự trợ giúp của internet, thơ và tiểu thuyết của những cây bút trẻ vẫn manh mún và tản mát.

Về thơ, bên cạnh sự tìm tòi của vài tác giả như Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý, Phan Trung Thành hay Ngô Liêm Khoan, có thể thấy nhiều biểu hiện cách tân đến mức sốt ruột càng chứng tỏ sự chông chênh của vần điệu. Dường như các nhà thơ trẻ quên mất một điều, để có một cơ thể cường tráng thì phải tham vấn bác sĩ hoặc phải rèn luyện thể thao, chứ không phải đổi kiểu áo hoặc đi nhuộm tóc.

Về tiểu thuyết, dù có vài tác phẩm tiêu biểu, nhưng vẫn thấy được tiêu cự trần thuật nhỏ hẹp đã làm hạn chế hiệu quả nghệ thuật. Đặc điểm chung của tiểu thuyết trẻ, từ Tiến Đạt, Trần Nhã Thụy cho đến Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang đều tập trung khai thác sự bế tắc và trống rỗng trong đời sống hiện đại. Tiểu thuyết của các tác giả trẻ chủ yếu quẩn quanh lối sống cá nhân, nên chưa đủ sức khái quát để hài lòng bạn đọc muốn tìm kiếm những nhân vật đang biến đổi trong xã hội và định hình nhân cách do cuộc đời tác động.

Với những nhận định trên, liệu chúng ta có hơi bi quan về văn học trẻ hôm nay không? Hoàn toàn không! Chúng ta đòi hỏi khắt khe ở các tác giả trẻ vì khẳng định họ giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chiều kích mới cho văn học Tp HCM nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Hãy thử đặt câu hỏi: Vì sao Nguyễn Ngọc Tư có thể vượt lên hàng đầu trong những người cầm bút cùng thế hệ? Vì Nguyễn Ngọc Tư có "Cánh đồng bất tận". Không chỉ có cơ duyên quảng bá, trong "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của người cầm bút khi trực tiếp cảnh tỉnh cho vùng sông nước Cửu Long, rằng: thiên nhiên hoang sơ không còn khả năng che chở những số phận lênh đênh khi đối mặt với hành vi man rợ, mà trình độ nhận thức và hệ thống pháp luật chưa kịp trưởng thành để bảo vệ con người bất hạnh!

Vậy hãy thử đặt tiếp câu hỏi: Vì sao chúng ta chưa có Nguyễn Ngọc Tư của văn chương đô thị? Vì các tác giả đang viết bằng tâm trạng đắn đo. Khi sức bật tuổi trẻ phải dành cân nhắc nặng nhẹ cho bản thân thì họ sáng tác với tiêu chí chỉ làm ra những sản phẩm đèm đẹp và an toàn. Đó là thứ xi rô pha loãng có hương vị ngọt ngào và vuốt ve của những não trạng phi chính trị và cho những não trạng phi chính trị. Ví dụ, tiểu thuyết "Ngài nghị sĩ" của Phạm Chí Dũng được hy vọng là cuốn sách thú vị nói về sự giằng co giữa làm quan to và làm người tốt, thì ngay trang đầu tiên tác giả viết: "Bối cảnh của câu chuyện có phần giả tưởng này xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ 21, tại một thành phố nằm ven bờ Thái Bình Dương, cách Việt Nam không xa". Lời phi lộ ấy, đối với tác phẩm có thể xem như một thủ pháp nghệ thuật, nhưng đối với xã hội thì không khác gì tiếng thở dài rụt rè và chua chát. Phải chăng các tác giả trẻ thừa khôn ngoan để hiểu lĩnh vực văn chương nhiều bất trắc và nguy hiểm, mà sự nhiệt tình đôi khi sơ hở dễ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ manh tâm trình diễn quan điểm và lập trường để tâng công, hưởng lợi?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, chính tính khuynh hướng rất yếu ớt đã làm mờ nhạt tư tưởng và nghệ thuật trong hầu hết tác phẩm của các nhà văn trẻ, khiến văn chương đô thị xao xác và chầm chậm những nhịp điệu buồn thương tỉnh lẻ. Mặt khác, không có tính khuynh hướng thì chúng ta không thể nào xác định được mối quan hệ nội tại giữa văn học và các vấn đề xã hội. Không có tính khuynh hướng thì tác phẩm không thể nào bộc lộ trọn vẹn sự dịch chuyển và xu thế đi lên tất yếu của cuộc sống. Trong giai đoạn cả đất nước vật vã chuyển mình cho công cuộc Đổi mới, quan điểm "cởi trói" không những đã giúp xuất hiện "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc, mà còn làm bệ phóng cho những tài năng văn chương như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mạnh Tuấn, Bảo Ninh, Nhật Tuấn, Hoàng Minh Tường, Trần Văn Tuấn, Dạ Ngân, Trần Đức Tiến ...  Trong bối cảnh hội nhập nhiều vận hội lớn lao và nhiều thử thách gay gắt, có những bi kịch khủng khiếp hơn, có những mất mát ứa máu hơn, vẫn chưa thấy phản ánh trong tác phẩm của nhà văn trẻ. Phải chăng chúng ta đang chờ những cam kết mạnh mẽ như thông điệp "chống lại sự im lặng đáng sợ" thuở nào?

Đồng hành cùng một đô thị năng động và sáng tạo, liệu văn chương Tp HCM có tạo nên đột phá như những ngành nghề khác không? Hay văn chương tiếp tục né tránh những đề tài bức xúc của đời sống, như tham nhũng, tha hóa, ô trọc? Câu trả lời nằm ở sự dấn thân của các nhà văn trẻ. Bởi lẽ, viết về một sân golf hoành tráng, nếu chỉ nhìn thấy ánh mắt hào hứng của vài kẻ phô trương sự thành đạt mà không nhìn thấy ánh mắt hắt hiu của hàng ngàn người thiếu đất canh tác, thì văn chương không còn là văn chương nữa. Thế nhưng, khi nhiều chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng, không thể nào động viên nhà văn trẻ bằng những hô hào dũng cảm lên hoặc can đảm lên. Mọi hiệp sĩ đều cần chiến mã và giáp trụ. Tài năng của tác giả giống như chiến mã, còn giáp trụ phải trông cậy ý thức tiến bộ của cộng đồng. Hiệp sĩ chỉ có chiến mã mà không có giáp trụ, thì xông pha trận mạc làm sao khỏi tên bay đạn lạc?

Mọi vấn đề nóng bỏng nhất của đời sống sẽ không còn đứng ngoài văn chương, nếu chúng ta xác định rằng, trong những bối cảnh nhất định, khi lịch sử không có điều kiện tồn tại bằng chính sử thì được phép tồn tại bằng huyền sử. Chỉ văn chương mới có khả năng nuôi dưỡng và chuyên chở những huyền sử lẫm liệt đến ngày mai!

Lê Thiếu Nhơn
.
.