Văn hóa biển truyền thống ở TP Đà Nẵng:

Cái chết được báo trước?

Thứ Sáu, 13/10/2017, 08:03
Đà Nẵng là một thành phố biển và một thời gian dài, văn hóa biển đã là nét đặc trưng nổi trội của thành phố này. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm đa lĩnh vực, có sức hấp thụ/lan tỏa lớn của khu vực Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Nhưng cũng từ đó, “chất biển” lâu đời trong truyền thống văn hóa Đà Nẵng đang dần mờ nhạt. Văn hóa biển truyền thống của Đà Nẵng đã và đang chết.


Hệ thống làng nghề biển và những mất mát không thể bù đắp

Văn hóa truyền thống của người Việt vốn được hình thành, phát triển, lưu giữ và trao truyền trong các ngôi làng. Đó cũng là thông số cơ bản để kiến tạo bản sắc văn hóa địa phương, văn hóa vùng và rộng hơn là văn hóa quốc gia/dân tộc.

Tương tự như vậy, đặc trưng văn hóa biển của Đà Nẵng được hình thành, lưu giữ và trao truyền thông qua các làng nghề liên quan đến đánh bắt, chế biến, giao thương các mặt hàng hải sản. Ven biển Đà Nẵng có hàng chục ngôi làng cổ gắn bó hàng trăm năm với biển: Nam Ô, Xuân Dương, Nại Hiên Đông, Nam Thọ, Mân Quang, Tân An, Tân Thái, Tân Trà…

Mỗi ngôi làng đều lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Đó không chỉ là các loại tàu thuyền, ngư cụ; không chỉ là các đình đền chùa miếu gắn với thực hành văn hóa tâm linh liên quan đến nghề biển; mà còn là nếp sống bám biển/tâm lý hướng biển, và đặc biệt là những tri thức về biển khơi đang được lưu giữ/trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi ngư dân từng trải đều là một pho từ điển sống về biển. Không chỉ mưu sinh, mỗi con thuyền đều có thể trở thành một cột mốc xác định chủ quyền biển đảo; mỗi ngư phủ đều có thể trở thành một chiến binh bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Lăng thờ Cá Ông ở Tân Trà trước khi bị phá bỏ. Ảnh Hồ Trung Tú

Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của kinh tế - xã hội những năm gần đây, văn hóa biển Đà Nẵng đã và đang đứng trước những thách thức không dễ vượt qua. Sức ép của thị trường đất đai và du lịch đã khiến cho môi trường văn hóa biển bị thu hẹp. Chỉ chưa đầy 20 năm, làng chài Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã không còn trên bản đồ hành chính và gần như biến mất khỏi ký ức của người dân Đà Nẵng. Làng chài Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) hiện không còn bến thuyền, các resort đã chặn hoàn toàn lối ra biển của ngư dân. Lăng thờ Cá Ông bị phá bỏ, nhường đất cho dự án làm du lịch. Làng còn đó, nhưng hồn cốt của văn hóa biển đã chết.

Các làng chài khác như Nam Ô, Xuân Dương (quận Liên Chiểu), Mân Quang (phường Thọ Quang), Tân An, Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đều đang đứng trước nguy cơ bị xóa xổ. Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) là một ngôi làng cổ, có lịch sử trên dưới 500 năm. Ngư dân Nam Ô không chỉ đi lộng (đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày hoặc đêm) mà còn đi khơi (đánh bắt xa bờ, thời gian kéo dài 2-3 tuần).

Nước mắm Nam Ô là một thương hiệu mạnh trong vùng, hiện nay thuộc phân khúc thị trường trung-cao cấp. Trong làng, không chỉ có di tích miếu thờ Mẫu Liễu, lăng Cá Ông mà còn có những dấu tích của thời kỳ văn hóa Cham Pa. Không lâu nữa, ngôi làng này sẽ chỉ còn là hoài niệm. Dự án Nam Ô Resort đã lấy hết phần bờ biển của làng Nam Ô, khiến gần như toàn bộ các hộ dân phải di dời chỗ ở.

Nghề khai thác hải sản và nghề làm nước mắm bị xóa sổ là nguy cơ có thật. Thương hiệu nước mắm Nam Ô không lâu nữa sẽ biến mất hoàn toàn. Ở phía Mân Thái, Thọ Quang, khuôn vi các làng chài cũng đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, nhường chỗ cho nhà hàng/khách sạn. Phần lớn cư dân trong các làng chài đã và sẽ phải chuyển đổi nghề, xa hẳn những công việc trên biển.

Mặc dù thành phố đã có những phương án bảo tồn một số cơ sở tín ngưỡng của người dân các làng chài, nhưng nếu nhìn tổng thể, hầu hết các phương án này đều nằm giữa các khu cao ốc hoặc khu resort nghỉ dưỡng. Chủ nhân thực thụ của các cơ sở thờ tự, đồng thời là những người trực tiếp thực hành các văn hóa tâm linh đều bị mất nghề hoặc di chuyển khỏi môi trường quen thuộc của họ. Thật khó có thể đảm bảo rằng, việc thờ tự ở đây còn có ý nghĩa đối với con cháu những ngư phủ xưa. Mất làng chài là mất môi trường văn hóa biển. Khi ngư phủ mất việc làm trên biển, là mất chủ nhân của văn hóa biển. Hiển nhiên, văn hóa biển sẽ chết.

Những lỗ hổng trong nhận thức và công tác quy hoạch

Ngay sau khi được nâng cấp lên thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác quy hoạch Đà Nẵng đã nhanh chóng được triển khai. Với những lợi thế về địa sinh thái, địa chính trị, địa kinh tế, Đà Nẵng đã xây dựng cho mình một phương án phát triển, trong đó chú trọng đến nhiều ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, hậu cần cảng biển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch, v.v…

Nhờ có những giải pháp mang tính đột phá như đổi đất lấy cơ sở hạ tầng và cải cách tối đa trong thủ tục hành chính, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Sau 20 năm xây dựng, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hiện đại, có nếp sống đô thị tương đối quy củ.

 Trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, không phải Đà Nẵng không chú trọng phát triển nghề biển. Thành phố đặc biệt coi trọng việc phát triển đội thuyền đánh bắt xa bờ với các loại ngư cụ hiện đại và đội ngũ thuyền viên cập nhật tri thức mới. Nhờ vậy, sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm cũng không ngừng gia tăng.

Gần đây, theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16-8-2013, Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa. Theo phê duyệt của UBND thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghề cá lớn Đà Nẵng - cảng cá lớn nhất miền Trung - có tổng diện tích đất và mặt nước nghiên cứu quy hoạch lên đến 19,7ha ở khu vực cảng cá truyền thống phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Tuy nhiên, trong  chính sách phát triển kinh tế biển, chính quyền Đà Nẵng không chủ trương kế thừa các truyền thống vốn có trong lịch sử. Trong tất cả các bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của thành phố cũng như các quận ven biển, đều không có bất cứ nội dung nào đề cập đến việc bảo tồn các làng nghề cá. Thành phố không coi văn hóa biển truyền thống và kinh nghiệm đi biển được truyền đời của các ngư phủ là di sản cần được lưu giữ và phát huy trong chính môi trường đã sản sinh, gìn giữ và trao truyền nó. Đó là lỗ hổng lớn nhất trong nhận thức.

 Chủ trương hiện đại hóa đội tàu để có thể hướng đến khơi xa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển nghề cá hiện nay và thời gian đến. Xây dựng/đào tạo đội ngũ thủy thủ có thể làm chủ những phương tiện/trang thiết bị hiện đại để khai thác tốt hơn các sản vật của đại dương đương nhiên là điều cần thiết. Nhưng nếu bỏ qua những làng chài nhỏ, những ngư dân đánh bắt ven bờ, những người thợ làm nước mắm là chúng ta đang lãng quên lịch sử. Chính những làng chài đó, những ngư phủ đó mới là môi trường, là chủ thể kiến tạo nên bản sắc riêng trong truyền thống văn hóa biển Đà Nẵng.

Bản sắc đó được thể hiện thông qua tục thờ cá Ông, qua những lễ hội cầu ngư, lễ tế thu hằng năm, tục đua ghe, lắc thúng; qua nếp sống dựa vào biển, ngóng biển; qua những con người chân chất hàng ngày bám biển mà mỗi suy nghĩ, hành vi của họ đều mang tâm thức hướng biển…

Dựa vào đội tàu hiện đại và đội ngũ thủy thủ có tri thức mới, Đà Nẵng có thể kiến tạo nên những nét mới trong văn hóa biển, nhưng thật khó có thể mang bản sắc riêng. Tính hiện đại của phương tiện và sự phổ quát của tri thức mới tạo nên những khuôn mẫu giống nhau trong nhận thức cũng như hành vi. Nếu không kế thừa được văn hóa biển truyền thống, Đà Nẵng cũng sẽ chỉ bàng bạc như tất cả các thành phố biển hiện đại khác, rất khó có thể tạo nên hấp lực riêng từ chiều sâu lịch sử.

Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng, muốn bảo tồn văn hóa biển như một bản sắc riêng của thành phố, Đà Nẵng cần tiến hành rà soát lại các di sản đang lưu giữ tại các làng chài. Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh quy hoạch, xác định các khu vực cần bảo tồn và có kế hoạch cụ thể theo hướng bảo tồn tại cộng đồng. Tuy rằng đã khá muộn, nhưng nếu điều chỉnh kịp thời, hy vọng là Đà Nẵng có thể lưu giữ được những gì còn sót lại.

TS. Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ)
.
.