Chuyện làng văn nghệ

Bút danh ra đời từ kỷ niệm ấu thơ

Thứ Hai, 17/05/2010, 11:49

Bởi bút danh là thứ mà các nhà sáng tạo có quyền lựa chọn để "trình diện" với đời (khác với tên thật do các bậc cha mẹ đặt), cho nên nhiều nhà văn đã tìm được cho mình những bút danh lạ, rất gợi kỷ niệm và giàu ý nghĩa.

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn vốn họ Chu. Bút danh Lỗ Tấn của ông có xuất xứ như sau: Tấn là do chữ tấn hành, ý là phải đi nhanh lên. Chẳng là hồi nhỏ, do ham mê bắt dế, mấy lần đến lớp muộn, bị thầy quở mắng và phạt quỳ, cậu bé vừa tức vừa thẹn, bèn lấy dao khắc vào bàn một chữ "tấn" để nhắc nhở mình. Còn Lỗ là để kỷ niệm bà mẹ bà Lỗ Thụy, người mà ông rất yêu kính.

Nhà văn Mỹ nổi tiếng Mác Tuên, vốn tên thật là Xêmiuơn Lenhoóc Cơlemânxơ. Trên dòng sông Mixixipi, nơi mà thời thơ ấu của ông đã trôi qua, có những người hoa tiêu dẫn tàu qua những đám cát bồi. Họ đứng trên mũi tàu, dùng sào đo chiều sâu con lạch. Nếu mực nước lên đến ngấn thứ hai của con sào đo nước, họ báo cho thuyền trưởng "Mác Tuên" (Mác Tuên có nghĩa là ngấn hai), điều đó có nghĩa là mức nước an toàn, đủ độ sâu cho tàu qua được. Sau này, khi bước vào nghề văn, Cơlemânxơ đã lấy bút danh đó để kỷ niệm thời thơ ấu thơ mộng của mình.

Nhà văn vĩ đại Nga Mácxim Gorki tên thật là Aliôsa Pêskốp. Trước khi thành nhà văn, ông phải trải qua một thời niên thiếu vất vả và thời thanh niên vô cùng lận đận. Bởi vậy, ông lấy bút danh Gorki để đánh dấu quãng đời cay đắng của mình. Tiếng Nga, Gorki có nghĩa là "cay đắng".

Nhà thơ lớn Chilê Pablô Nêruđa tên thật là Néptali Râyét Baxôantô. Ông chí thú làm thơ ngay từ thời niên thiếu, nhưng vì sợ người cha luôn cấm đoán việc làm đó, thành thử ông phải tìm cho mình một "bút danh". Lật một tờ họa báo hàng tuần, chàng thi sĩ nhỏ tuổi thấy cái tên ký dưới một truyện ngắn: Ian Nêruđa. Cái tên đó phát âm bằng tiếng Tây Ban Nha nghe thật hay. Baxôantô rất thích thú cái tên đó. Và thế là, bút danh Pablô Nêruđa xuất hiện

Lê Hữu
.
.