Bước “dò đường”

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:37
Triển lãm "Tạo tác" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hạo Nhiên (diễn ra từ ngày 15 đến 18-9 tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) được giới làm nghề chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm ảnh khỏa thân được cấp phép, đàng hoàng đến với người thưởng lãm. Nhưng mọi thứ vẫn chưa thực sự trọn vẹn...


Hỗ trợ cho Hạo Nhiên có công rất lớn của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. Lúc đầu, Hạo Nhiên dự định triển lãm khoảng 200 bức. Nhưng 3/4 trong số đó là những bức ảnh chụp thấy rõ thân thể người phụ nữ. Trần Thế Phong và một số nghệ sĩ đàn anh tư vấn cho Hạo Nhiên cách chọn ảnh vì Hạo Nhiên vốn chỉ chăm chú hành nghề, không để ý "giới hạn" ảnh khỏa thân như thế nào mới được ra mắt công chúng. Anh cũng biết triển lãm "Xuân thì" của Thái Phiên từng bị từ chối cấp phép năm 2008. 

Đến năm 2013, nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu tiếp tục ngậm ngùi đưa ảnh mình vào kho vì không được Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng ý. Rút kinh nghiệm từ cú "ngã ngựa" của hai đàn anh, tổ tư vấn cùng Hạo Nhiên chắt lọc lại ảnh, chọn những bức ghi lại đường nét mờ ảo, không thấy mặt người mẫu, không phô bày toàn bộ hình thể. Theo Trần Thế Phong, đây là sự lựa chọn hết sức nhẹ "đô". Điều này khiến cơ quan cấp phép không lý gì lại lắc đầu.

Trường hợp Thái Phiên, Lê Quang Châu bị từ chối vì các bức ảnh chụp trực diện nhiều, phô bày hầu hết thân thể người mẫu, thậm chí thấy rõ mặt. Tất nhiên, không phải cứ chụp toàn bộ thân thể thì bức ảnh đó dung tục, hàm lượng nghệ thuật ít. Hầu hết đều được đánh giá cao. Bằng chứng là các tác phẩm của Thái Phiên, Dương Quốc Định... liên tục gặt hái giải thưởng quốc tế trong khi trong nước lại tỏ ra e dè. 

Cuốn sách "Xuân thì" của Thái Phiên bán rất chạy và đến nay chưa bị phản hồi tiêu cực nào, nhưng từng bức ảnh cụ thể lại lận đận trong khâu triển lãm. Cơ quan có thẩm quyền giải thích, cũng là đòi hỏi: nếu chụp rõ mặt người mẫu thì phải có giấy cam kết của người mẫu và tác giả để tránh kiện cáo lôi thôi. Vậy nhưng, nhiều bức ảnh khuất mặt vẫn không được đàng hoàng đến với công chúng. Người ta ngại công chúng không đủ trình độ để cảm thụ đâu là nghệ thuật, đâu là dung tục? Không ít người cứ thấy người mẫu không mặc quần áo là đã vội cho rằng ảnh dung tục, phản cảm.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho hay, sở dĩ anh gợi ý Hạo Nhiên chọn những bức ảnh "nhẹ đô" như vậy vì đây là lần đầu tiên ảnh nude tiếp cận công khai với khán giả. Khán giả phải được làm quen từ từ để tránh bị sốc. Nếu hiệu ứng tốt, các triển lãm về sau sẽ dễ dàng "tăng đô", tiến tới những bức ảnh nghệ thuật nude táo bạo hơn.

Tuy nhiên, chính sự cẩn trọng này lại khiến nhiều người cảm thấy triển lãm "Tạo tác" chưa thực sự "đã", nghệ thuật ảnh nude chưa hẳn được cởi trói. Có nhà báo thấy hụt hẫng khi tưởng rằng triển lãm "Tạo tác" sẽ trưng bày các bức ảnh chẳng kém gì Thái Phiên, Lê Quang Châu từng định ra mắt trước đây. "Tạo tác" được ví là có "khỏa" nhưng chưa có "thân". Hình ảnh đôi bàn tay, đôi chân, cổ, bờ vai vẫn chiếm nhiều trong bộ ảnh. Mọi thứ vẫn chỉ là ước lệ chứ chưa phô bày hoàn toàn nét đẹp thân thể phụ nữ.

Dù vậy, Hạo Nhiên và nhiều nhiếp ảnh gia chuyên chụp nude khác vẫn rất vui vì đây là bước đột phá thể hiện sự cởi mở của nhà quản lý và công chúng đối với loại hình nhiếp ảnh nhạy cảm này. Đây được xem là bước dò đường giúp các nhiếp ảnh gia học hỏi để đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng. Đồng thời, nó cũng giúp công chúng, giới hoa hậu, người mẫu hiểu đâu là nghệ thuật nude, đâu là nake (dung tục). "Biết "Tạo tác" được cấp phép, đồng nghiệp liên tục chúc mừng tôi. Mọi người đều mong triển lãm thành công để trở thành tiền lệ giúp nhiếp ảnh khỏa thân được mọi người nhìn nhận với ánh mắt thiện cảm. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là anh chụp cái gì cũng được" - Hạo Nhiên tâm sự.
Mai Quỳnh Nga
.
.