Đọc "Chúa đất", tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy, NXB Phụ nữ, 2015

Bốn đoản khúc về "Chúa đất"

Thứ Bảy, 28/11/2015, 08:00
Đọc "Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy, gợi nghĩ về sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương. Tôi đã đọc một mạch cuốn tiểu thuyết này, bị ám ảnh và có cái cảm giác không thoát ra khỏi nó được. Sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết, theo tôi, thông thường trước hết nhờ có một câu chuyện hay được kể lại. Cái gọi "hay" ở đây trùng với cách hiểu: "tiểu thuyết là một câu chuyện bịa như thật"...

1.Lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Tú gần đây, anh có nói, đại ý, một cây bút viết tiểu thuyết sẽ được định vị nếu sau cuốn thứ ba mà vẫn có độc giả. Nghĩa là đến cuốn thứ tư, đọc vẫn hấp dẫn thì sức bền của ngòi bút mới thực sự phát lộ.

Tôi đem cái ý tứ này của bạn văn để khớp vào trường hợp Đỗ Bích Thúy. Thấy đúng! Tôi đã đọc cả bốn cuốn tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy: "Bóng của cây sồi" (2005), "Cánh chim kiêu hãnh" (2013), "Cửa hiệu giặt là" (2014) và "Chúa đất" (2015). Còn nhớ khi Đỗ Bích Thúy ra mắt "Cửa hiệu giặt là", tôi có viết một bài đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô, nhan đề "Phố Thúy". Tôi viết, đại ý, khi đọc "ChinaTown Phố Tầu" của Thuận, tôi hơi tự ái, nghĩ rằng tại sao Thuận viết hay được về Phố Tầu mà không có nhà văn Việt nào viết hay về Phố Ta?

Trong hội họa đã có Phố Phái thì trong văn chương, tôi cứ mạnh dạn mà viết, phải có một Phố Thúy. Nhưng đọc xong "Cửa hiệu giặt là", trong thâm tâm vẫn có ý chờ cuốn tiểu thuyết thứ tư của Đỗ Bích Thúy để xem có "ra tấm ra món"? Ở cuốn tiểu thuyết thứ tư, như chúng ta thấy, Đỗ Bích Thúy lại trở về "thung thổ văn hóa" của mình. Dường như "tiếng gọi nơi hoang dã" quả thực có sức mạnh vô hình. "Chúa đất" một lần nữa dẫn dắt độc giả về với hoang sơ của tự nhiên, với sức mạnh hoang dã của cái ác, với sự hoang tàn của phế tích, và về với hoang đường của câu chuyện được kể.

2. Đọc "Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy, gợi nghĩ về sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương. Tôi đã đọc một mạch cuốn tiểu thuyết này, bị ám ảnh và có cái cảm giác không thoát ra khỏi nó được. Sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết, theo tôi, thông thường trước hết nhờ có một câu chuyện hay được kể lại. Cái gọi "hay" ở đây trùng với cách hiểu: "tiểu thuyết là một câu chuyện bịa như thật". Viết "Chúa đất" tác giả rạch ròi: "Cuốn sách này vì thế, là sản phẩm của hư cấu" (Lời tác giả). Nếu "Cửa hiệu giặt là" chứng tỏ sự quan sát tinh tế của nhà văn về đời sống phố thị thời mở cửa thì "Chúa đất" thể hiện rõ nét nhất năng lực tưởng tượng của nhà văn.

Một truyền thuyết cách nay 200 năm, được phục dựng bằng ngôn từ tiểu thuyết trong một hình hài sinh động, nếu không có sự trợ giúp của trí tưởng tượng mãnh liệt, năng lực hư cấu vượt trội thì liệu tác phẩm để lại được những gì trong lòng độc giả? Riêng tôi thấy, nhờ trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt mà Đỗ Bích Thúy đã "dịch chuyển" được truyền thuyết vào thực tại, kéo thời gian từ xa đến gần, biến cái vô hình thành hữu hình.

"Chúa đất" là câu chuyện về những cái chết, nhưng là những cái chết có ý nghĩa "gieo mầm sự sống". Xét từ góc độ văn hóa thì đó là vấn đề hủy diệt và sinh thành của sự sống, cụ thể hơn là các giá trị sống được trả giá và bảo tồn như thế nào trong sự biến thiên của lịch sử. Một câu chuyện hay được kể lại mang ý nghĩa triết lý về quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, nhất là người phụ nữ như tự bạch của tác giả: "Và thêm một lần nữa, tôi viết về đàn bà, với niềm yêu thương vô tận" (Lời tác giả).

3. Nhân vật của "Chúa đất" được khắc chạm nổi hình nổi khối. Đặc biệt ấn tượng là các nhân vật nữ. Trước hết phải kể đến Bà Cả, vợ thứ nhất của Sùng Chúa Đà - chúa đất Đường Thượng. Bà không có con với Sùng Chúa Đà vì y bất lực. Bà ở trong nhà Chúa Đà gần 30 năm, mòn mỏi tuổi xuân, sầm sập tuổi già. Mỗi ngày "Tay bà nhặt bạc trắng từ túi nọ bỏ sang túi kia, miệng lẩm nhẩm đếm, mắt bà vẫn nhìn qua ô cửa". Bà Cả vẫn yêu chồng và ham muốn chồng nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhất muốn được làm đàn bà thì không thể! Bà là người bất hạnh nhưng cố giấu nó tận sâu thẳm đáy lòng, như là số phận, định mệnh.

Bà Cả là người nhân nghĩa, đối xử rất tốt với cả Chở - vợ thứ tư của Sùng Chúa Đà và với Xính, cô gái đẹp suýt nữa bị bắt vào làm vợ bé của chúa đất. Bà Cả đã "âm mưu" cho Vàng và Xính chạy trốn khỏi Đường Thượng. Nhưng việc nghĩa không thành. Bà cuối cùng đã quyên sinh để chấm dứt một chuỗi ngày buồn tủi ê chề bên cạnh chồng. Nếu Bà Cả như một cái bóng, thì Chở, vợ thứ tư của Sùng Chúa Đà "lúc nào cũng như một bó đuốc đang cháy", hơn thế là một khối thuốc nổ. Mà nổ thật. Cô ngang nhiên ngoại tình với Lù Mìn Sáng - kẻ chăn ngựa trong nhà chúa đất.

Hắn ta xấu mã nhưng lại rất đàn ông, và liều lĩnh. Bị Chở bỏ bùa mê thuốc lú, nên cuối cùng cả hai phải chết trên cột đá của nhà chúa đất. Biết trước là chết nhưng Chở thấy vui vì: "Chết là cùng thôi mà. Đằng nào chả chết. Chết lúc đang trẻ đẹp thế này chả tốt hơn là để đến lúc vừa già vừa xấu, mặt nhăn như quả ớt sấy à?". Chở là con người bản năng, tự nhiên nhi nhiên. Hạnh phúc ngắn tày gang của cô là được vui sướng làm đàn bà nhờ có Lù Mìn Sáng.

Xính, vợ chưa cưới của Vàng cũng là một cô gái đẹp, hát hay. Số phận cô may mắn hơn Chở, cô sống được là nhờ có Vàng đã dám đứng lên giết chúa đất. Nhân vật Sùng Chúa Đà hiện lên như một bạo chúa. Hắn là một gã đàn ông đẹp mã, giàu có, quyền sinh quyền sát nhưng là kẻ bất hạnh. Hắn có nhiều vợ nhưng chưa lần nào lãnh vai trò làm chồng. Nên hắn trở nên điên dại, tàn nhẫn. Tác giả miêu tả phần "con" trong nhân vật này rất cụ thể, sinh động. Nhân vật Pó (em trai Vàng) dù xuất hiện ít nhưng rất ấn tượng. Anh ta là "nhân vật đóng thế", chết thay anh trai mình. Pó là con người hành động, nghĩa hiệp. Hai anh em Vàng - Pó là kiểu "hiệp sỹ cứu người đẹp".

Ngoài các nhân vật - người như đã kể trên, trong tiểu thuyết có hai vật được nhân hóa, có sắc thái - đó là con chim cắt, được Chúa đất đặt tên là Sùng Cắt. Và thứ hai là cái cột đá treo người "có hai cái lỗ tai đá được đục ở phía trên, tròn xoe, cách nhau một sải tay, tính từ cổ tay này tới cổ tay kia". Đúng là "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Nhân vật có lai lịch, có cá tính, có số phận. Tất cả đều mạnh về bản năng, đầy hoang dã, tự nhiên nhi nhiên. Nói cách khác, nhân vật tiểu thuyết "Chúa đất" là những "nguyên khối".

4. Văn đẹp. Đó là ấn tượng khi đọc "Chúa đất". Văn Đỗ Bích Thúy, với tôi, có được cái nhịp điệu (rythme) riêng, được kiến thiết bởi những câu văn ngắn, hoạt. Đây là cái khung cảnh thiên nhiên trinh nguyên bao bọc đôi bạn tình Xính - Vàng: "Gió từ trong khe núi thổi ra, ngồi một lúc mồ hôi khô sạch. Hôm nay có nắng, sương đã tan gần hết. Ngồi trên lưng chừng nương có thể nhìn thấy tảng sương mù lúc trước còn ở ngay trước mặt, một lúc đã bị gió đẩy đi thật xa. Trên đất, những chiếc lá cỏ ướt sũng, từ từ vươn lên để đón ánh nắng ấm áp. Hoa cúc đỏ bắt đầu nở, từng bông một. Ở nương nhà Xính có rất nhiều cúc đỏ. Những bông cúc nhỏ li ti, mọc sâu dưới chân những tảng đá, nhô lên qua kẽ lá (…).

Trong gió có mùi của lá mục. Lá mùi từ rừng già bay ra. Trong gió có tiếng của một con chim họa mi. Họa mi hót trong lúc ánh mặt trời bắt đầu rơi xuống, vàng óng khắp các triền núi. Trong gió có tiếng của những đám mây bồng bềnh nhẹ bỗng, quệt khẽ vào nhau. Trong gió có tiếng những cánh hoa tách khỏi nụ, bừng lên màu sắc rực rỡ, tỏa ra hương thơm làm hồn người lâng lâng như say… Nếu mà cuộc sống lúc nào cũng đầy hoa cúc, đầy tiếng họa mi thì vui biết mấy. Nghĩ thế, lại phải hát một đoạn mới được". Nói rõ hơn, tôi thích văn Đỗ Bích Thúy đan xen giữa "động" (nhịp sống tuôn chảy) và "tĩnh" (những nốt nhấn, điểm lặng, lắng đọng của tâm hồn con người). Một lối văn ánh phản một tâm hồn người viết vốn dung dị, an nhiên và hào hiệp.

Vĩ Thanh. Về cái ngẫu nhiên trong "Chúa đất". Đó là sự giống nhau của hai anh em sinh đôi Vàng và Pó. Nhờ đó mà Pó đánh lừa được Sùng Chúa Đà, đóng thế nhân vật Vàng, bị treo lên cột đá. Một cái chết thật tàn khốc, đau đớn nhưng lại hợp đạo. Tôi nghĩ là sự sắp đặt của nhà văn. Nhưng hợp lí. Vì cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên là hai mặt của một tờ giấy, như người ta vẫn nói. Có độc giả hỏi tôi, nếu như Vàng và Pó không giống nhau như hai giọt nước thì sự thể sẽ tới đâu, và kết cục nào? Tôi nghĩ, vì hai chữ "nếu như" lịch sử còn có thể thay đổi, huống hồ gì văn chương. Đành lòng vậy cầm lòng vậy!

Hà Nội, tháng 11-2015

Bùi Việt Thắng
.
.