Bình bầu thi đua -vẫn còn nặng hình thức

Thứ Ba, 10/01/2017, 08:07
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, kiểm điểm, bình bầu thi đua và đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo đó, mỗi người phải viết bản tự kiểm điểm rồi đọc tại cuộc họp cho các đồng nghiệp góp ý. Để tối thiểu là hoàn thành nhiệm vụ, cách dễ nhất là phải nghĩ ra ít nhất một sáng kiến ghi vào bản tự kiểm điểm cá nhân. Vì đây sẽ là tiêu chí để xét thi đua cho cả cá nhân và tập thể, đơn vị.

Như vậy là sau mỗi năm, cơ quan, đơn vị sẽ có hàng chục tới hàng trăm sáng kiến. Ở cấp tỉnh, thành phố có hàng ngàn sáng kiến, cộng cả nước có khi lên tới cả triệu sáng kiến. Theo các báo cáo tổng kết hằng năm của các cơ quan, doanh nghiệp, chúng ta sẽ bắt gặp một đội ngũ cán bộ, công nhân viên hùng hậu với khoảng 70% đến 80% là các chiến sĩ thi đua, là những người hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với nguồn nhân lực chất lượng cao này, vậy nhưng những thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, hiệu quả công việc vẫn thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước và kẹt xe vẫn chưa được cải thiện là bao…

Trên thực tế, đã tồn tại không ít trường hợp các danh hiệu thi đua được tập thể lãnh đạo chỉ định trước mà bỏ qua quan điểm "lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực cán bộ", thay vào đó, là cả nể, cảm tính, hình thức, thậm chí không loại trừ cả việc chạy “danh hiệu thi đua” bằng nhiều hình thức. 

Trong cuộc họp bình xét, bằng sự định hướng khôn khéo của lãnh đạo theo kiểu ở đơn vị ta năm vừa qua đã hoàn thành tốt và vượt cả chỉ tiêu, kế hoạch mà trên giao, có nhiều đồng chí xứng đáng, nhưng chỉ tiêu được danh hiệu thi đua có hạn, so bó đũa chọn cột cờ, để động viên anh A có hoàn cảnh khó khăn, anh B, chị C thì chưa có gia đình, nhưng đều tích cực trong công việc, chúng ta thống nhất giới thiệu họ là chiến sĩ thi đua năm nay, còn đơn vị đề xuất được nhận cờ của cấp trên… 

Ngay lập tức sẽ có ý kiến “trái chiều”, đại loại như, đơn vị được khen mà “sếp” là đầu tàu gương mẫu trong mọi việc, chăm lo cho quyền lợi của anh em trong cơ quan. Sếp phải chiến sĩ thi đua mới xứng đáng. Thường thì đa phần ý kiến đều nhất trí thông qua. Và rồi những đồng chí làm thực, làm tốt, phải chịu lép vế để nhường lại suất “vinh quang” này cho “đồng chí sếp”.

Do vậy, nhiều người nhận danh hiệu xong, không muốn nhắc đến nó. Những tấm bằng khen được trao mang về xếp xó, chỉ có thành tích là dùng làm báo cáo, khai hồ sơ, những cái đó có ý nghĩa trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương. 

Sau buổi bình xét, nhiều người có đôi chút ưu tư, không vui, nhưng họ thường im lặng chấp nhận vì ai cũng có lúc tranh thủ con ốm đau, xin nghỉ việc riêng, một năm ai chả có một vài buổi đi làm muộn, mặc dù xét về công việc hoàn thành thì ai cũng nhiệt tình tận tụy cả. Thế nên đừng nghĩ ngợi làm gì, không mắc khuyết điểm gì là tốt rồi, còn hoàn thành thì ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cả.

Về mặt bản chất, kiểm điểm là việc chỉ ra cả điểm tốt và chưa tốt của cá nhân, tập thể nào đó với những bằng chứng cụ thể, với mục đích giúp họ rút ra bài học, biện pháp khắc phục, sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nhưng ở không ít cuộc kiểm điểm, người ta biến nó thành buổi tuyên dương công trạng, thành tích nổi bật, sự hy sinh vô bờ bến của ai đó… còn đánh giá, bình bầu, xét chọn đúng nghĩa là một động lực làm thúc đẩy năng suất lao động, khuyến khích sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Chọn được đúng người giỏi để biểu dương, nêu gương, khen thưởng, làm hạt nhân lan tỏa là một việc làm cần thiết để thúc đẩy người lao động cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, nếu làm không đúng, chúng ta sẽ gặp những hậu quả khôn lường, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng của những người lao động chân chính.

Một câu hỏi được đặt ra là việc đánh giá, bình bầu thi đua có khó không? Sẽ là không khó khi mà người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thật sự công tâm, trong sáng, không sa vào bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm. Sẽ không khó khi luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới của mình, để sàng lọc, phân tích, đánh giá đúng người, đúng việc. 

Ðánh giá sai, phê bình sẽ chệch hướng, thậm chí phản tác dụng, biến phê bình thành nơi công kích lẫn nhau, nói xấu và bôi nhọ danh dự người khác. Việc kiểm điểm cần tối đa dựa trên những tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có thể lượng hóa được để tránh cái sự "nặng bên này mà nhẹ bên kia". Kết quả đánh giá kiểm điểm cũng cần phải công khai cho tất cả cá nhân trong cơ quan, đơn vị để mọi người được biết và đóng góp ý kiến, phản hồi, bảo vệ hay phản biện; việc kiểm điểm tuyệt đối không thể làm xuê xoa theo kiểu "cả nhà cùng vui". 

Cù Tất Dũng
.
.