Tản văn

Biết điều

Thứ Ba, 07/12/2010, 10:31
Thuở thiếu thời, có lần, tôi nghe ông nội tôi đọc hai câu thơ trong "Lục Vân Tiên" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: "Gối rơm yên phận gối rơm/ Cớ sao dưới thấp lại chờm lên cao". Biết tôi không hiểu, ông nội tôi liền giải thích: Tức là sống ở đời phải biết mình là ai, phải biết yên phận mình, đừng làm cái gì quá với cái mình có, kẻo người ta cười cho.

Ông tôi còn đọc nhiều câu thơ khác (cũng của Nguyễn Đình Chiểu) mà ông tôi tâm đắc: "Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình"; "Quán rằng: Ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm/ Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm/ Để dân lương nỗi sa hầm sẩy hang"; "Ở đời ít kẻ hảo tâm/ Chớ nên tin quá mà lâm tay người/ Ở đời ít nghĩ tới - lui/ Có khi vinh hiển quên thời cháo rau"…

Rồi ông nội tôi khuyên tôi: Sống ở đời, cháu phải luôn gắng gỏi để trở thành một con người thực sự. Còn một khi sống mà chỉ là "giá áo túi cơm" như người đời xưa ví von, thì chán lắm lắm. Nhân nhắc đến "giá áo túi cơm", ông nội tôi cắt nghĩa thêm: Giá áo đơn giản chỉ là cái giá hoặc cái mắc áo, còn túi cơm đơn giản chỉ là cái túi đựng cơm. Chả nhẽ sinh ra ở đời, một người chỉ là cái giá chứa áo, cái túi chứa cơm sao?

Lớn hơn một chút, có lần, tôi nghe bố tôi khen một người họ hàng: Ông ấy là một người biết điều. Mà ở đời, được thừa nhận là một người biết điều, cũng không dễ. Đương nhiên, đối lập với người biết điều là người không biết điều.

Ngày ấy do còn ít hiểu biết nên tôi chỉ hiểu đại để: Người biết điều chắc chắn là một người tốt, thế thôi.

Sau này, khi đã trưởng thành và trải nghiệm đời sống ít nhiều, tôi hiểu "biết điều" hoặc "một người biết điều", không chỉ mang nghĩa giản đơn như vậy.

Theo tôi, một người biết điều là một người biết điều hay, biết lẽ phải, biết nhường, biết nhún, biết trọng già, biết yêu trẻ và đặc biệt là người không tham, biết từ chối những gì không của mình, không thuộc về mình.

Cùng với người biết điều là người giàu lòng nhân bản, người có sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc đối với đồng loại. Tôi đã đọc những câu thơ dưới đây của Dzymborska - nhà thơ nữ Ba Lan - người đoạt giải Nôben Văn học năm 1996 và tôi được điều ấy:

Xin lỗi cái cây
Người ta chặt mày đi chỉ vì mấy cái chân giường
Xin lỗi những người dân châu Phi đang thiếu nước
Mà tôi lại dùng nước quá ư thoải mái
Xin lỗi một người không quen vừa mới mất
Mà tôi lại mua hoa mang về nhà
Xin lỗi mọi người vì tôi hkông thể trở thành từng người…

Thời còn ở quân ngũ và mặc dù đã rời quân ngũ nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ 1 điều trong 12 điều kỷ luật của quân đội (đại ý): "Giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn".

Tôi nghĩ: Ở đời, nếu ai cũng "Giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn" thì cuộc sống của chúng ta sẽ cao quý, đẹp đẽ, chan hòa và đáng yêu biết bao!

Đặng Huy Giang
.
.