Bão lũ, năm nào cũng... mới

Thứ Bảy, 18/11/2017, 11:43
Hầu như nước ta, vào những dịp này, năm nào cũng bị bão lũ tấn công. Không ít thì nhiều, năm nào cũng có thiệt hại. Vấn đề là, có vẻ như, hiện tượng này lặp lại theo chiều hướng đi lên, năm sau dữ dội hơn năm trước, thiệt hại lớn hơn năm trước.


Miền Trung và Tây Nguyên cũng vừa oằn mình trước sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 12, có thể nói cơn bão đã đạt độ tàn khốc mà nó mang danh. Cho đến giờ, khi tôi ngồi gõ những dòng này, hơn 100 người đã chết và mất tích, còn thiệt hại thì... không thể tính đủ.

Trước đó chưa lâu, là ở phía Bắc, cũng lũ và lụt, lở núi sập đồi, cũng người chết, rất đau đớn và thương tâm, cũng tài sản mất hết, bị vùi lấp và cuốn trôi.

Tất nhiên có lý do là do biến đổi khí hậu, có dăm lý do khách quan nữa để chúng ta có thể vin vào đấy để giải thích.

Nhưng cái lý do chính vẫn là do con người, do chính chúng ta, khi chúng ta đã cố gắng để chinh phục tự nhiên, làm những việc phản quy luật tự nhiên, chúng ta tưởng là chúng ta làm vì con người, nhưng chúng ta đã triệt hạ tự nhiên, khiến cho, nói một cách văn hoa “Mẹ thiên nhiên nổi giận”. Và khi thiên nhiên đã nổi giận thì, hậu quả chúng ta thấy hàng năm rồi đấy.

Nỗi đau mất người thân của người dân vùng rốn bão lũ tỉnh Khánh Hòa.

Cha ông chúng ta đã sống trên mảnh đất này hàng vạn năm. Hàng vạn năm các cụ đã chung sống với tự nhiên, cũng có bão lũ, cũng có người chết, nhà trôi, nhưng có lẽ tính chất nó không khốc liệt như bây giờ, hoặc là nó không dày đặc đến như bây giờ. Người già nói thế, chúng ta, những người đang sống trên đời này vài ba bốn, năm, sáu chục năm nay đều thấy thế, rằng là, càng ngày cường độ bão lũ càng lớn, thiệt hại càng kinh khủng, dù càng ngày chúng ta càng hiện đại hơn, dự báo bão lũ trước cả tháng, chính xác từng giờ, các phương tiện chống và chạy cũng hết sức hiện đại, từ máy bay, xe lội nước v.v...

Nhưng chả có cái gì chống đỡ nổi khi thiên nhiên lên tiếng.

Chúng ta đã cố gắng chống tự nhiên chứ không chuẩn bị tâm thế sống chung hoặc né tránh. Chống tự nhiên là hành động hết sức điên rồ và u tối. Cũng như thế, chúng ta tàn sát tự nhiên với cái danh nghĩa nghe rất nhân văn là “khai thác để phục vụ con người”.

Ấy là rừng, hàng triệu hec ta rừng đã bị phá không thương tiếc. Điều đau đớn là, một phần lớn lợi nhuận từ những cánh rừng ấy, chỉ một số ít người được hưởng, còn hậu quả của việc phá rừng thì xã hội và toàn dân chia nhau gánh. Công dụng của rừng thì ai cũng biết rồi, chả cần nhắc lại nữa, những là lá phổi, những là hồ chứa, những là điều tiết..., nhưng trên hết, rừng là vàng, vì nó là vàng nên người ta xâu xé, bất kể hậu quả.

Có cả những biện minh, ví dụ như phá rừng để trồng... rừng, là trồng cao su, người ta bảo vệ đến cùng rằng, cao su cũng là rừng, bởi trên ấy có cây. Ấy là cái lý xin lỗi phải nói thẳng “giả vờ ngu để phá rừng”. Thế là cao su bạt ngàn, từ miền Đông, lên Tây Nguyên và đã vươn ra đến cả các tỉnh biên giới phía Bắc.

Rồi phong trào nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện cũng là một tác nhân quan trọng cho việc tạo nên việc lũ lụt ngày càng lớn. Ngoài việc nó cũng là tác nhân để phá rừng khủng khiếp, thì việc chặn dòng, nắn dòng các con sông cũng là cách con người thách thức tự nhiên. Hàng vạn năm, những con sông đã chảy như thế, chảy theo quy luật, theo thói quen, theo quỹ đạo mà “Mẹ tự nhiên” đã vạch ra. Giờ chúng ta ngăn lại, bậc 1, bậc 2, bậc 3, N bậc, chúng ta tự hào có những “dòng sông ánh sáng”...

Trong vụ việc bão lũ miền Trung đang xảy ra, có sự góp sức rất lớn của... thủy điện. Vào lúc nước no nhất, mênh mông làng trên xóm dưới thì các hồ chứa nước của thủy điện cũng no, người ta phải xả lũ cứu đập. Làng xóm thôn bản bị đến 2 lần ngập, lũ chồng lũ, nước chồng nước, con người hết sức nhỏ bé trước sự cuồng phong của lũ.

Đến giờ, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng, các bộ ngành liên quan đã và đang rà soát lại quy hoạch thủy điện, nhưng bão lũ thì không chờ chúng ta. Không ai có thể cầm lòng được trước hình ảnh những con người khốn khổ ngồi chờ tin người thân của mình đang mất tích đâu đó trong thăm thẳm mưa bão. Lại càng không thể cầm lòng trước những giọt nước mắt lã chã của những cháu bé cầm trên tay cuốn vở rách nát nức nở ngày mai cháu học ở đâu. Giữa náo nức kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, APEC, hình ảnh Thủ tướng, Chủ tịch nước xắn quần lội kiểm tra bão lụt ở Hòa Vang và Hội An nó khiến chúng ta ngậm ngùi...

Làm sao để bão lũ càng ngày càng cũ, chứ năm nào cũng mới thì quả là rất đáng... quan ngại.

Văn Công Hùng
.
.