Bài học viết về đề tài lịch sử

Thứ Ba, 20/03/2018, 08:25
Diễn ca lịch sử bao giờ cũng đứng trên một quan điểm nào đó để nhìn nhận, miêu tả, đánh giá bình luận về các sự kiện và nhân vật lịch sử. "Thiên Nam ngữ lục" chịu ảnh hưởng của thuyết “thiên mệnh” nên đã giải thích các biến cố lịch sử là do “tạo hoá” bày đặt ra như thế: “Trong cơ tạo hoá đã phân/ Xuân hết, lửa lần, đông lại bước theo”...


Từ trường hợp diễn ca "Lịch sử nước ta" của Hồ Chí Minh, xin được rút ra bài học viết về đề tài lịch sử.

Diễn ca lịch sử lấy cái cốt của các sự kiện lịch sử để “diễn” thành bài ca theo thể lục bát hoặc song thất lục bát. Đó là một thể loại lưỡng tính, vừa là văn học (có cốt truyện, tình huống, nhân vật...) vừa là sử học (sự kiện, nhân vật lịch sử...).

Có thể kể các diễn ca lịch sử có giá trị như: "Thiên Nam minh giám", "Thiên Nam ngữ lục", "Đại Nam quốc sử diễn ca", "Đại Nam sử ký quốc ngữ", "Việt sử diễn âm"... Âm hưởng chủ đạo của diễn ca là âm hưởng sử thi nhằm mục đích khơi gợi lòng tự hào về truyền thống dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, nhắc nhở bổn phận và nghĩa vụ của mỗi công dân với lịch sử, đất nước...

Bác Hồ luôn trân trọng và giáo dục các thế hệ sau phải thông hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam.

Diễn ca lịch sử bao giờ cũng đứng trên một quan điểm nào đó để nhìn nhận, miêu tả, đánh giá bình luận về các sự kiện và nhân vật lịch sử. "Thiên Nam ngữ lục" chịu ảnh hưởng của thuyết “thiên mệnh” nên đã giải thích các biến cố lịch sử là do “tạo hoá” bày đặt ra như thế: “Trong cơ tạo hoá đã phân/ Xuân hết, lửa lần, đông lại bước theo”.

Vì mang tư tưởng “phù Trịnh” nên tác phẩm có những lời khoa trương thái quá, như “tôi hiền chúa thánh” để ca ngợi thời vua Lê chúa Trịnh đầy nhiễu nhương làm giảm đi tính chân thực lẽ ra phải có. "Đại Nam quốc sử diễn ca" lại mang rất rõ tư tưởng “phù Nguyễn” nên có cái nhìn lệch lạc, thiên kiến về lịch sử, ví dụ coi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vĩ đại là “giặc”.

"Lịch sử nước ta" đứng trên quan điểm nhân dân lý giải sự thăng trầm thành bại của lịch sử là do dân: “Xét trong lịch sử Việt Nam/ Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng...”. Tác phẩm dài 208 câu tái hiện lịch sử nước ta từ “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến thời kỳ viết tác phẩm - năm 1942, chỉ  tính phần diễn ca thì cả thảy là 1.458 chữ mà có tới 18 chữ dân. Viết vì dân, cho dân với mục đích rất rõ ràng là kêu gọi toàn dân đoàn kết để chuẩn bị lực lượng cách mạng, điều này được nhấn mạnh ở hai câu cuối: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Về mặt nội dung, "Lịch sử nước ta" kế thừa các diễn ca trước đó những điểm gì trung thực, chính xác của chính sử, bổ sung những điểm gì thiếu, những điểm sai thì viết lại. Chính vì thế mà có căn cứ khẳng định "Lịch sử nước ta" là một diễn ca lịch sử có giá trị về mặt khoa học.

Cùng một sự kiện lịch sử nhưng do mục đích diễn ca khác nhau, quan điểm thể loại khác nhau mà mỗi tác phẩm có cách miêu tả và giọng điệu riêng. Ví dụ cùng viết về sự kiện nổi dậy của nghĩa quân Tây Sơn, "Đại Nam quốc sử diễn ca" coi đó là cuộc nổi loạn của “giặc cỏ” với giọng điệu khinh miệt, coi thường, nhưng trong "Lịch sử nước ta" thì tác giả lại ca ngợi đó là một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại dưới sự lãnh đạo của những con người anh hùng: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau/ Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng/ Dân gian có kẻ anh hùng/ Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Sơn Tây...”.

"Lịch sử nước ta" “diễn ca” 33 nhân vật lịch sử nhưng không miêu tả diện mạo nhân vật nào mà chỉ chú trọng vào phương diện phẩm chất. Khác với "Thiên Nam ngữ lục", “diễn ca” khoảng 300 nhân vật lại rất chú ý tới dáng vẻ, coi đó như là một nguyên tắc miêu tả ngoại hình thống nhất với tính cách nhân vật. "Lịch sử nước ta" là khi miêu tả tính cách nhân vật đều theo nguyên tắc khái quát hoá cao độ, nhân vật luôn gắn liền với một giai cấp, tầng lớp nào đó. Thánh Gióng gắn liền với “thiếu niên”, “trẻ con” nhưng đã là bậc “cứu nước”: “Thiếu niên ta rất vẻ vang/ Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời/ Tuổi tuy chưa đến chín mười/ Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”.

Bà Triệu tiêu biểu cho “tài năng dũng cảm” của phụ nữ nước ta: “Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương/ Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời...”. Nhân vật lịch sử được đề cập trong số chữ nhiều nhất (6 câu thơ) là Trần Quốc Toản, cũng là một tấm gương của “trẻ con Nam Việt”: “Thật là một đấng anh hùng/ Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo...”. "Lịch sử nước ta" được viết ra với mục đích khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức về giá trị, về trách nhiệm các tầng lớp, giai cấp trong xã hội đối với đất nước.

Có thể coi "Lịch sử nước ta" là một cuốn chính sử rút gọn được viết bằng văn vần thể hiện ở tính chính xác, hệ thống, toàn diện, không thiên kiến. Những gì là đúng với sự thật lịch sử thì "Lịch sử nước ta" vẫn giữ nguyên, thậm chí học tập cả cách dùng từ. Ví dụ "Thiên Nam ngữ lục" gọi Hồ Quý Ly là kẻ “tiếm ngôi”: “Thời suy dùng phải tôi gian/ Quái nước lên loàn, phụ chúa tiếm ngôi”. "Đại Nam quốc sử diễn ca" coi Hồ Quý Ly là kẻ “tiếm vị”: “Tôn vinh kể được mấy hơi/ Sáu năm tiếm vị, muôn đời ô danh”. "Lịch sử nước ta" cũng dùng từ tiếm vị dành cho vị vua này: “Cha con nhà Hồ Quý Ly/ Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên”.

Đứng trên quan điểm nhân dân nên "Lịch sử nước ta" lý giải một cách biện chứng khoa học sự thành bại của lịch sử là do nhân dân, vì nhân dân, khác hẳn với các diễn ca trước đó cho rằng “ý trời” chi phối lịch sử. Tác phẩm nhấn mạnh cội nguồn sức mạnh của lịch sử là sự đoàn kết toàn dân, có đoàn kết thì có thắng lợi và ngược lại: “Ta không đoàn kết bị người tính thôn.../ Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng...”.

Điểm tựa văn học của "Thiên Nam ngữ lục" và "Đại Nam quốc sử diễn ca" là các truyền thuyết, thần thoại để tạo ra màu sắc huyền thoại của diễn ca. Đây cũng là một cách thi vị hoá lịch sử, lôi kéo, mời gọi hấp dẫn bạn đọc đi vào từng sự kiện. Khác với hai tác phẩm này, "Lịch sử nước ta" không quan tâm tới thần thoại, truyền thuyết mà bám sát vào cái lõi lịch sử.

Cuốn sách “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sức lôi cuốn của tác phẩm thể hiện ở sự trung thực với lịch sử; ở quan điểm biện chứng coi nhân dân là nhân tố cơ bản nhất làm nên lịch sử; đặc biệt là ở vấn đề phân tích, lý giải lịch sử thời hiện tại. Có thể thống kê các tính từ được dùng với mật độ dày đặc: "rực rỡ, thuận hoà, vẻ vang, tiếng vang, đại tài, tiếng thơm, tạc đá vàng, tài năng, dũng cảm, làm gương, phi thường, hiền thần, quang vinh, hiền minh, hiển vinh"... mà tác giả đã dùng để ngợi ca các bậc tổ tiên đã xứng đáng “Oanh liệt con Rồng cháu Tiên”.

Nhưng cũng thẳng thắn “phản biện”: “Ngày nay đến nỗi nghèo hèn/ Vì ta chỉ biết lo yên một mình/ Để người đè nén xem khinh/ Để người bóc lột ra tình tôi ngươi”. Lời văn trong "Lịch sử nước ta" hướng tới tất cả cộng đồng, ai cũng cảm thấy cá nhân mình có trong đó. Do vậy chữ “ta”: "nước ta, dân ta, thiếu niên ta, phụ nữ ta, ta, chúng ta" mang sắc thái tu từ vừa như ràng buộc vừa như nhắc nhở mọi người ý thức về bổn phận và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với dân tộc, đất nước.    

Từ những điều sơ bộ so sánh phân tích trên, phải chăng có bài học này:

Người viết về đề tài lịch sử phải có quan điểm rõ ràng: "nhân dân là người sáng tạo và làm nên lịch sử". Nhà văn viết về bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng đều phải thấy nhân dân là lẽ phải, nhân dân là chính nghĩa. Nhân dân ủng hộ ai, giúp ai, người ấy, lực lượng ấy sẽ thắng lợi và ngược lại.

Tác phẩm về đề tài lịch sử "là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử". Nhà văn có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử.

Viết về Nguyễn Trãi hay Lê Lợi, nhà văn không nên lệ thuộc vào con số tỉ lệ bao nhiêu là thực bao nhiêu là hư (ai mà thống kê cho rõ được), anh ta có thể hư cấu tới 80%, 90%, điều ấy không quan trọng. Điều cơ bản là hư cấu làm sao để cho bạn đọc thấy đó vẫn là Nguyễn Trãi, vẫn là Lê Lợi. Nghĩa là qua sáng tạo mới nhà văn phải làm cho bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý trọng nhân vật lịch sử, nếu đó là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại.

Một điều tối kỵ của tác phẩm về đề tài lịch sử là làm sai lệch chân dung nhân vật của lịch sử, sai lệch sự kiện lịch sử. Nhà văn viết về quá khứ nhưng mục đích là làm sao cho độc giả hôm nay nhận sáng rõ thêm chân giá trị văn hoá của ngày hôm qua để họ sống sao cho xứng đáng với lịch sử. Con đại bàng tác phẩm về đề tài lịch sử phải luôn được nâng bởi hai cánh sự thật và thẩm mỹ để bay vào bầu trời văn hoá đương đại và văn hoá tương lai!

Nguyễn Thanh Tú
.
.