Bài hát để đời và sự nhầm lẫn của tác giả

Thứ Bảy, 19/08/2017, 08:02
Không cứ chỉ trẻ em mà mọi người lớn hầu như ai cũng biết một bài hát có những lời lẽ rất quen thuộc: "Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa / Của sông Kinh Thày/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay…". Hẳn là  bạn đọc đã nhận ra. Đó là bài hát "Hạt gạo làng ta" của nhạc sỹ Trần Viết Bính, phổ thơ của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa.


Bài hát quá nổi tiếng

Gần 50 năm qua, bài hát đã trở nên quá nổi tiếng đến mức ít bạn nhỏ nào không biết, hay ít nhất cũng thuộc được một vài câu bài hát này. Nhiều người lớn cũng rất thích thú bài hát trên và thuộc nằm lòng. Nhưng bài hát được ra đời như thế nào, người hát đầu tiên là ai và bây giờ ra sao thì không mấy người biết. Quả là sẽ rất thú vị nếu những chi tiết này được "bật mí".

Năm 1970, tình cờ  nhạc sỹ Trần Viết Bính có trong tay tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa. Khoa lúc này đang nổi lên như một hiện tượng độc đáo, được coi là thần đồng thơ Việt Nam. Trần Viết Bính đặc biệt chú ý đến bài "Hạt gạo làng ta". Ông quyết định phổ thành bài hát. Nhưng lúc này ông bận rộn với quá nhiều công việc, chưa biết thu xếp thời gian sáng tác vào lúc nào.

Một lần, ông đạp xe từ thành phố Nam Định về một xã ngoại thành để dạy hát. Vừa ngồi trên xe, ông vừa lẩm nhẩm sáng tác. Đến nơi cũng vừa xong bài hát. Về nhà, chỉ việc ngồi vào đàn kiểm tra và tu chỉnh lại chút ít. Sau này ông nói hồi đó chỉ có xe đạp. Nếu như bây giờ đi xe máy hoặc xe hơi thì không thể có được bài hát đó.

Ở miền Bắc lúc đó có một số đội ca hát của các em ra đời rất nổi tiếng như Sơn Ca, Họa Mi (Hà Nội), Hải Yến (Hải Phòng). Nam Định có đội Vàng Anh do nhạc sỹ Trần Viết Bính sáng lập và dàn dựng, chỉ huy. Ồng triển khai tập ngay bài "Hạt gạo làng ta" vừa sáng tác. Các em hát rất say sưa. Chuyện khiến ông nhớ mãi là địa điểm tập của Vàng Anh khi đó ở nơi sơ tán - một vùng nông thôn. Lúc giải lao, bà con nông dân đang làm đồng đến xem đội tập.

Nghe đến đoạn "Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng 7/ Có mưa tháng 3/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng 6/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…", nhiều người đã khóc. Các em càng được khích lệ hơn. Chỉ sau vài buổi tập, Trần Viết Bính hài lòng và đưa cả đội lên Hà Nội thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Kỹ nghệ thu thanh ngày ấy còn lạc hậu. Nếu giờ đây thu hỏng chỗ nào thì chỉ việc thu lại chỗ đó, mất rất ít thời gian thì hồi đó, chỉ cần hát sai một tiếng là phải thu lại cả bài. Các em đội Vàng Anh lần đầu tiên lên Hà Nội, bước vào phòng thu hoành tráng, bị choáng ngợp nên không tránh khỏi sự hồi hộp, lo lắng, lại càng mắc nhiều sai sót trong quá trình thu. Bài hát đã phải thu trong cả một ngày với gần 20 lần thu mới đạt yêu cầu (thường một ca khúc thiếu nhi chỉ cần thu vài ba lần trong khoảng 1 giờ là được).

Minh Trang - cô bé hát lĩnh xướng trong bài "Hạt gạo làng ta" - bây giờ.

Buổi thu hôm đó có rất nhiều người đến nghe. Các nhân viên thu thanh và mọi người đều nói đã lâu lắm mới có một bài hát thiếu nhi đặc sắc như "Hạt gạo làng ta". Sau khi bài hát được phát trên làn sóng, chỉ một thời gian ngắn đã lan truyền khắp nơi và nhanh chóng nổi tiếng, được tuổi thơ cả nước hào hứng đón nhận.

Sau này, bài hát được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chọn là một trong 20 ca khúc hay nhất viết về nông thôn, nông dân, nông nghiệp Việt Nam từ trước tới nay (cả những bài dành cho người lớn). Riêng tôi, nếu được quyền chọn, sẽ đề cử đây là bài hát thiếu nhi hay nhất mọi thời đại về nông thôn Việt Nam. Tất nhiên là cho đến giờ phút này.

Sự nhầm lẫn của tác giả

Một thời gian dài, mỗi lần "Hạt gạo làng ta" vang lên ở đâu, đều được giới thiệu là do em Nguyễn Thị Sảnh cùng đội Vàng Anh trình bày. Nhưng sự thực không phải như vậy. Bài hát do em Minh Trang lĩnh xướng. "Em" Minh Trang ngày ấy - sinh năm 1971 - ở tuổi 12.

Năm nay - 2017 - đã về hưu và có cháu nội. Sở dĩ có sự nhầm lẫn này, "tội" là do chính tác giả bài hát. Trần Viết Bính kể rằng hồi đó, đội Vàng Anh do ông phụ trách khá đông thành viên. Cứ em nào hát được và yêu thích ca hát là có thể tham gia. Do hoàn cảnh sơ tán nên biên chế của đội luôn thay đổi tức là hôm nay em này tham gia, ngày mai có thể là em khác. Chỉ đến khi tập một tiết mục nào đó để biểu diễn hoặc thu thanh mới bắt buộc phải giữ quân số cố định. Vậy nên sau khi thu thanh xong bài hát ở Hà Nội, ông đã quên tên bé Minh Trang lĩnh xướng mà tưởng nhầm là bé Nguyễn Thị Sảnh.

"Cháu lĩnh xướng hiền lành, trông hơi quê quê nhưng hát rất hay, rất có hồn, lại chuẩn nốt nhạc tuy phát âm có tiếng hơi bị thổ ngữ địa phương (em thành iem). Tên của cháu cũng rất hợp với con người cháu. Cháu là Nguyễn Thị Sảnh" - Trần Viết Bính nói với biên tập viên âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam như vậy.

Cho mãi tới gần đây, khi trên Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình "Giai điệu tự hào", sự nhầm lẫn trên mới được đính chính. Số là nữ nhà thơ, đạo diễn phim tài liệu Phan Huyền Thư - người sáng tạo ý tưởng chương trình này - đã nghe chú ruột của mình nói có nghe chuyện cô bé ngày xưa lĩnh xướng bài "Hạt gạo làng ta" từng làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, nay đã về hưu. Người chú này đã mày mò tìm ra được cô bé năm xưa.

"Bé" là Minh Trang, nay đã có cháu nội, chứ không phải là Nguyễn Thị Sảnh. Sảnh cũng tham gia đội Vàng Anh và năm 1971 cũng lên Hà Nội thu thanh nhưng không lĩnh xướng. Và thế là Minh Trang đã có mặt trong một chương trình "Giai điệu tự hào" nói về bài "Hạt gạo làng ta". Chương trình đã rất thú vị và cảm động, có sự hiện diện của nhạc sỹ Trần Viết Bính và vợ chồng Minh Trang. Hôm ấy, bà Trang hát lại bài hát làu làu, trôi chảy. Tuy sau đó, không hoạt động ca hát chuyên nghiệp mà trở thành thày thuốc nhưng bà hát vẫn hay, chuẩn, mặc dù đã ở lứa U60.

Những điều ít biết về tác giả

Trần Viết Bính sinh năm 1934, quê ở Thái Bình. Ông không xa lạ với công chúng yêu nhạc bởi từ năm 1956, lúc mới 22 tuổi đã có bài hát "Dòng sông" khá nổi tiếng. Ngày ấy, tôi còn là một cậu bé rất hay đi xem xi-nê ở các rạp tại Hà Nội. Trước khi chiếu phim, bao giờ rạp cũng mở đĩa hát (đĩa than với các tốc độ 33,45 chứ không phải đĩa CD như bây giờ).

Và một bài hát rất quen thuộc luôn được vang lên: "Nhà em ở phía bên sông/ Nhớ ngày phiên chợ còn đông/ Đôi bờ chưa cách dòng sông/ Anh thường sang chung một cánh đồng…". Nam nữ yêu nhau thời ấy hầu như đều thuộc bài hát này. Đó là bài "Dòng sông", nằm trong sê-ri tác phẩm văn học nghệ thuật có chủ đề đấu tranh thống nhất lúc ấy (cùng với những ca khúc khác như "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của Hoàng Hiệp, "Bến Hải tâm tình" của Vĩnh Cát, "Quê hương" của Hoàng Việt, phim "Chung một dòng sông" của hai đạo diễn Hồng Nghi và Hiếu Dân, kịch "Đêm tháng 7" của Dương Linh…)

Quê ở Thái Bình nhưng từ nhỏ, Trần Viết Bính đã cùng gia đình sinh sống, lập nghiệp ở thành phố Nam Định. Ông trở thành nhạc sỹ, suốt đời chỉ biết có âm nhạc từ một chi tiết ngẫu nhiên: Bố mẹ ông có cửa hàng bán nhạc cụ. Cậu bé Bính táy máy, tập toạng gẩy đàn măng-đô-lin khiến mặt da đàn bị bẩn, không thể bán. Thế là bố mẹ cho hẳn để cậu chơi. Và thế là cậu đã đánh thành thạo được rất nhiều bài hát quen biết lúc ấy mặc dù không biết gì về nhạc lý.

Năm 1946, kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Bính cùng gia đình đi tản cư tới một nơi có nhiều nhạc sỹ đã nổi tiếng đến như Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn. Gần các nhạc sỹ này, Bính rất đỗi hâm mộ rồi tự lập ra một ban nhạc nhí cùng tập, hòa tấu nhiều bài. Các nhạc sỹ trên thấy ban nhạc trẻ con chơi nhạc rất được bèn để các cậu hòa tấu chung một số bài. Riêng Bính vì mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, lại là đứa chơi giỏi nhất trong đám trẻ nên được nhạc sỹ Phạm Ngữ dạy đàn ghi-ta. Từ đó, Bính trở thành một tay ghi-ta giỏi và bắt đầu sáng tác. Bài đầu tiên ông viết năm 1946- lúc mới 12 tuổi - là bài "Nhớ núi Voi".

Từ sau năm 1954, Trần Viết Bính sinh sống và làm việc ở Ty Văn hóa Nam Định. Năm 1981, ông chuyển vào Đồng Nai làm Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh này cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện nay, tuy đã ở tuổi 83 nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác và sưu tầm dân ca các dân tộc ít người ở Đồng Nai. Năm 2016, ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đến nay, tiền thưởng vẫn chưa được lĩnh nhưng ông đã tiêu tốn mất mấy chục triệu đồng vào việc đi lại Hà Nội để nhận danh hiệu và khao bạn bè. Mỗi cuộc thù tạc, ông hô: "Các bạn cứ gọi các món mệt nghỉ, Bính được mấy trăm triệu kia mà".

Nói đến Trần Viết Bính, ai cũng thấy rõ nét nổi bật của ông là say mê âm nhạc như lên đồng, chơi hết mình và làm cũng hết mình. Không thể kể được hết những "souvenir" tâm hồn của Trần Viết Bính bởi đó là dãy con số nối dài suốt chặng đường đời. Nhưng tất cả đều chân thành, đích thực, dào dạt và để lại nhiều ca khúc. Mấy chục năm nay và cũng chốt lại là một người bạn đời giản dị mà sâu sắc. Lắng lại trong ông sự bình yên, êm đềm sau những tháng ngày trai trẻ sôi động, ruổi rong như không biết diểm dừng…

Nguyễn Đình San
.
.