“An Nam truyện” – Lịch sử nước nhà từ một góc nhìn

Thứ Bảy, 19/05/2018, 08:25
“An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa” là một cuốn sách tham khảo cực kỳ cần thiết đối với các nguồn sử liệu nước nhà.


Trao đổi về bản dịch “An Nam truyện” vừa được Công ty cổ phần Sách Tao Đàn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết phát hành (2018), dịch giả Châu Hải Đường chia sẻ: “Tôi muốn tìm hiểu và giới thiệu thêm về lịch sử nước nhà từ một góc nhìn khác, mặc dù có thể với các nhà nghiên cứu thì cũng không có gì lạ, nhưng với đại đa số độc giả, nó còn ít được giới thiệu đầy đủ”.

“An Nam truyện” được dịch giả Châu Hải Đường dịch và biên soạn rất công phu, khá toàn diện các vấn đề liên quan đến Việt Nam được chép trong các bộ cổ sử của Trung Quốc. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Châu Hải Đường.

Có nhiều bản dịch của các thế hệ

Vì sao ông không chọn dịch các sách tư liệu trong nước? Phải chăng vì là “tay ngang” nên khó tiếp cận với những tư liệu trong nước vốn được cất kỹ trong các cơ quan Nhà nước?

+ Không phải là “không chọn dịch”, mà ngược lại chọn dịch các tác phẩm trong nước đã và sẽ luôn là ưu tiên số một của tôi. Thực tế, tôi đã đọc, dịch, và giới thiệu trên mạng một số sáng tác văn chương của tiền nhân qua báo chí hay mạng Internet.

Dịch giả Châu Hải Đường.

Đối với các tác phẩm thuộc lĩnh vực lịch sử, một là trước nay đã có nhiều nhà nghiên cứu, dịch giả phiên dịch, giới thiệu tương đối đầy đủ, hai là tôi muốn tìm hiểu và giới thiệu thêm về lịch sử nước nhà từ một góc nhìn khác, mặc dù có thể với các nhà nghiên cứu thì cũng không có gì lạ, nhưng với đại đa số độc giả, nó còn ít được giới thiệu đầy đủ. Đó là lý do tôi đã thực hiện cuốn sách này trước.

Còn với việc tiếp cận tư liệu (đã được lưu trữ) hiện nay ở nước ta tuy không có gì khó khăn, nhưng cũng vẫn chưa được thuận lợi, ví dụ như: Việc số hóa các tác phẩm cổ điển còn hạn chế, chi phí để in sao các tác phẩm còn cao…

Đó là khó khăn chung cho những nhà nghiên cứu, và tất nhiên càng khó khăn hơn với những người nghiên cứu “tay ngang” - như anh nói - khi muốn tìm hiểu tư liệu cổ trong nước. Ngoài ra, với các tư liệu có thể còn tản mát trong dân gian khác, như những ghi chép riêng của các gia đình, dòng họ, thì càng cần có thời gian để sưu tầm nghiên cứu và thẩm định kỹ càng hơn nữa.

- Dường như, ở nước ta các dịch giả, nhà nghiên cứu có vẻ như khá bằng lòng với các bản dịch. Trong khi đó, theo tôi được biết, có nhiều bản dịch khác nhau qua mỗi thời kỳ và người dịch sau thường sẽ bổ khuyết và bổ chú cho những thiếu sót, nhầm lẫn của người dịch trước. Phải chăng ông cũng có tâm lý bằng lòng với bản dịch của tiền nhân? Hay chúng ta chưa quen/ chúng ta còn thiếu nền nếp của một nền dịch thuật phản biện?

+ Thực sự tôi không nghĩ các dịch giả, nhà nghiên cứu “nước ta có vẻ bằng lòng với các bản dịch trước”. Thực tế là, đối với các tác phẩm cả lịch sử cũng như văn học, ngôn ngữ này hay ngôn ngữ khác, chúng ta luôn có nhiều bản dịch của các thế hệ dịch giả, nhà nghiên cứu khác nhau.

Ví dụ như, với bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” chúng ta có bộ của Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính chú giải, và gần đây là bộ của Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, GS Hà Văn Tấn hiệu đính… với bộ “Hoàng Lê nhất thống chí” chúng ta có bộ của Ngô Tất Tố dịch, lại có bộ của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch,…

Việc hiệu đính bổ sung cho các dịch phẩm có sẵn cũng rất được quan tâm thực hiện, ví như bộ “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung được Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính, trong bản in của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1988 lại được Lê Huy Tiêu, Lê Đức Niệm sửa chữa và giới thiệu…

Đặc biệt, việc trao đổi, tranh luận về các dịch phẩm gần đây như tác phẩm Lolita (Dương Tường dịch)… chẳng hạn, rõ ràng cho thấy không hề có việc chúng ta bằng lòng với các bản dịch trước. Và tôi nghĩ rằng, việc người dịch sau bổ khuyết sửa chữa cho những thiếu sót của người dịch trước là việc rất bình thường và nên có. Tôi chưa dám nói đến “nền nếp của một nền dịch thuật phản biện”, vì có lẽ, nó sẽ còn cần nhiều yêu cầu hơn nữa, nhưng rõ ràng các thế hệ dịch giả, nhà nghiên cứu trong nước đã luôn có ý thức phản biện hiệu chỉnh, cho tới dịch lại các dịch phẩm của người đi trước.

Về phía mình, chính tôi cũng đã hoàn thành việc hiệu đính bổ sung cho một tác phẩm khá lớn (tôi xin phép giấu tên) đã được dịch và xuất bản phổ biến từ lâu, hiện tác phẩm đã sắp sửa in xong, nói như vậy để thấy rằng, tôi cũng không hề có “tâm lý bằng lòng” ấy.

Chú giải tường tận để độc giả dễ dàng tiếp cận

 - Qua bản dịch “An Nam truyện” cho thấy ông khá thận trọng với sử liệu, đối chiếu kỹ càng, chú thích lớp lang. Ví dụ, Tống sử chép về vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là “mục miểu”. Ông đã chú thích rõ ràng rằng chữ “miểu” có một nghĩa là chột (thiên manh – mù một mắt), và một nghĩa khác là lé “nhất mục tiểu dã” – một mắt nhỏ hơn mắt kia. Ông đã rất thận trọng, không xác quyết rõ ràng mà đợi tìm thêm được những ghi chép cụ thể hơn.

Hay như trong Tống sử chép về nhân vật Thiệu Hồng dưới thời Ngô Vương, thì ông cũng chú rõ: “Sử ta không chép về Thiệu Hồng, có thuyết cho rằng Thiệu Hồng là tên sử Trung Quốc gọi Dương Tam Kha”. Tương tự, ông chú thích rằng sông Phú Lương trong Nguyên sử chép là tên sử Trung Quốc gọi sông Hồng nước ta; trong khi đó, có cơ quan nghiên cứu lịch sử thuộc vào hàng nhất nước thì giải thích đó là sông Cầu và đưa hết về cho địa chí tỉnh Thái Nguyên.

Tôi xin lỗi khi phải so sánh thế này: Ông làm việc chuyên nghiệp hơn cả một số cán bộ ở các viện nghiên cứu. Tôi được biết ông không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Vậy phong cách làm việc này có được căn bản từ đâu, mong ông chia sẻ.

Bản dịch “An Nam truyện” (2018).

+ Trước hết, xin chân thành cảm ơn anh đã đọc tác phẩm và có lời động viên khích lệ với người làm sách – cả dịch giả, cũng như đơn vị xuất bản. Đối với bất cứ dịch phẩm nào tôi cũng đều tự yêu cầu bản thân phải chú ý đến việc chú giải tường tận để độc giả có thể dễ dàng tiếp cận. Đối với các tác phẩm về lịch sử và văn chương cổ điều ấy lại càng cần thiết. Trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng tối đa để có những chú thích cần thiết, tuy nhiên một công lao lớn trong đó là của ban biên tập nói riêng và Công ty cổ phần Sách Tao Đàn nói chung. Nhân đây, cho tôi gửi lời cảm ơn tới các anh chị đã biên tập cuốn sách.

Tôi không dám đồng tình với sự so sánh của anh. Và, rất nhất trí với ý kiến nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong một buổi nói chuyện gần đây, rằng, “việc học hành chuyên nghiệp là một yêu cầu nghiêm túc và người học chuyên ngành ra làm nghiên cứu vẫn tốt hơn”.

Còn về phong cách làm việc, tôi cho rằng nó không liên quan đến việc chuyên hay không chuyên, mà nó phụ thuộc vào thái độ của mỗi người đối với công việc họ làm. Nếu anh thực sự để tâm vào công việc mình làm, tất nhiên anh sẽ đem hết khả năng của mình ra làm công việc ấy một cách thận trọng chu đáo và tỉ mỉ nhất. Và, tôi học được điều ấy qua chính những tác phẩm, công trình của những người đi trước mà tôi đã được đọc, được tiếp cận.

 - Xin cám ơn những chia sẻ của dịch giả Châu Hải Đường.

Tuyển dịch từ 17 bộ chính sử Trung Quốc

Trong “An Nam truyện”, dịch giả Châu Hải Đường đã tuyển dịch những truyện có thông tin liên quan đến Việt Nam, về Việt Nam từ 17 bộ chính sử của Trung Quốc là Sử ký (Tư Mã Thiên soạn), Hán thư (Ban Cố soạn), Hậu Hán thư (Phạm Việp soạn), Tam quốc chí (Trần Thọ soạn), Tống sử (Thoát Thoát và A Lỗ Đồ soạn), Nguyên Sử (Tống Liêm soạn), Minh sử (Trương Đình Ngọc soạn), Thanh sử cảo (Triệu Nhĩ Tốn soạn)…
Kiều Mai Sơn (thực hiện)
.
.